Từ tiếng Việt ngẫm về cuộc sống

Trong tiếng Việt, có một công thức thiết lập danh từ gồm chữ “cuộc” cộng với một động từ thì sẽ cho ra một danh từ. Ví dụ: cuộc chơi, cuộc đua, cuộc thi, cuộc tình, cuộc bầu cử, cuộc chiến… Chữ “cuộc” sẽ kết hợp với những động từ chỉ các hoạt động có sự tham gia của hai hoặc nhiều chủ thể trở lên.

Theo đó, “cuộc sống” cũng là một từ được thiết lập theo công thức: “cuộc” kết hợp với động từ. Điều đó thể hiện tư duy và cảm nhận của người Việt là: chúng ta không thể sống một mình. Một từ ngữ mang theo một thông điệp được đúc kết, gửi gắm; nhưng cũng hàm chứa một bài học: bài học về cuộc sống riêng và chung. Người Việt coi trọng cái chung hơn cái riêng, chúng ta được dạy nhiều về hy sinh, nhường nhịn, sẻ chia, đùm bọc… từ trong những câu ca giao, tục ngữ:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

“Lá lành đùm lá rách”

“Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần”

“Chị ngã, em nâng”

“Bán anh em xa, mua láng giềng gần”

“Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”…

Rất nhiều câu ca giao tục ngữ đề cao tầm quan trọng của các mối quan hệ. Ngay từ bé, chúng ta đã được dạy phải sống cho người khác, bởi chúng ta phụ thuộc và cần nương tựa lẫn nhau. Cho đến hôm nay, cả một thế hệ đang vật lộn để tìm cách sống cho chính mình.

Trong tiếng Việt cũng có một câu rất đắt mà hầu như mọi người đều biết: “người không vì mình, trời tru, đất diệt”. Điều đó cho thấy, cổ nhân không phải là không dạy chúng ta toàn bộ về lẽ sống, chỉ có điều, lời dạy đó đã không được nhấn mạnh vào tâm trí chúng ta. Từ tiếng Việt chúng ta có thể hiểu ra rằng: Chung sống là một lẽ dĩ nhiên, nhưng không được vì vậy mà quên mất bản thân mình.

Vì sao “sống” là một “cuộc”? Gọi là một “cuộc” vì nó đầy tính phiêu lưu, thách thức, nỗ lực, chưa chắc chắn, có sự đồng tham gia của rất rất nhiều cá thể “đang sống”, và có cả sự “giằng co” giữa ta và những gì không phải là ta… Người ta nói “cuộc sống không giống cuộc đời”. Tưởng đùa mà thật. “Đời” không phải là động từ, nên “cuộc đời” không được thiết lập theo công thức như trên. Chúng ta thường nói về “cuộc sống ở một nơi nào đó”, nhưng chúng ta lại nói về “cuộc đời của một người nào đó”. Dường như “cuộc sống” là của chung, còn “cuộc đời” là của riêng mỗi người. “Cuộc sống không giống cuộc đời”, vậy nên cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi cho ta, ủng hộ ta, vì ta… Đôi khi, vì nỗi sợ, sự lệ thuộc vào những yếu tố bên ngoài khiến ta bỏ quên những cảm nhận của bản thân để sống theo sự áp đảo của các yếu tố đó.

Có lẽ cuộc sống là một hành trình để ta nhận ra đâu là mình, đâu không phải là mình, và nỗ lực sống vì chính mình. Ta trân trọng cuộc sống, bao gồm cả các mối quan hệ và sự sống của những sinh linh khác, nhưng ta cũng quý trọng “cuộc đời” duy nhất của ta! Bài học mà người Việt cần phải học là “nương tựa nơi chính mình”.