PHÁT HIỆN ĐIỂM TỐT ĐẸP Ở NGƯỜI KHÁC

Hồi cuối cấp hai, tôi đọc được cuốn “đắc nhân tâm” và tập thói quen chủ động quan sát điểm tốt đẹp ở người khác, khen họ khi có cơ hội. Mục đích của việc này là vì tôi muốn tôi “có” nhiều bạn bè và “được” bạn bè yêu quý. (Hơn nữa, tôi thấy việc đưa ra lời khen sau khi đã quan sát là một việc làm chân thật, không hề giả tạo.) Mong muốn thực sự đằng sau mục đích kia có lẽ là cảm giác được tôn vinh, tôn trọng, nể phục, đánh giá cao: Con bé đó vừa học giỏi, vừa chơi hay, không phải loại mọt sách, hơn hẳn những đứa học giỏi mà không có bạn. Hoặc là cảm giác có đồng bọn, không bị lạc trôi khỏi bạn bè sau khi đã hoàn thành các mục tiêu trong học tập? Vừa muốn học vừa muốn chơi nên cố vớt vát bằng cách tự vây quanh mình nhiều bạn bè?

Thế là tôi có nhiều bạn bè thật, nhưng khi ở đỉnh cao của thành tích học tập và mối quan hệ. Tôi lại trải nghiệm trạng thái “cảm thấy mình rỗng tuếch ở mọi khía cạnh”. Trong đó, có khía cạnh bạn bè. Tôi tự hỏi: liệu họ có yêu quý tôi thực sự hay chỉ vì hào quang và những lời khen, sự tham gia, có mặt của tôi dành cho họ? (Thời gian đã trả lời rằng sự hoài nghi của tôi là có cơ sở. Bởi chỉ có một hai người bạn lúc đó là tôi thực sự kết nối và còn giữ liên lạc, gặp gỡ sau này.) Sau “câu hỏi” đó, tôi dừng hẳn những tương tác lấy lòng bạn bè, và để các mối quan hệ diễn ra tự nhiên, chân thật hơn. Cũng từ đó, dường như tôi không chủ động quan sát, tìm kiếm điểm tốt đẹp ở người khác nữa! Vì mục đích trước kia không còn, và nhu cầu cảm nhận cũng không có luôn thì phải?

Về sau, tôi được biết rằng: việc chủ động quan sát, tìm điểm tốt và đưa ra lời khen đúng lúc, có tác dụng ghi nhận,khích lệ những người xung quanh, và cũng là một cách để giáo dục người khác, trong đó có giáo dục con cái. Nhưng không biết có phải có một cảm nhận nào đó ngăn tôi lại, hay là do mong muốn ghi nhận, khích lệ, giáo dục người khác chưa đủ mạnh, mà tôi không chủ động thực hành việc này. Cho đến gần đây, có một trải nghiệm thúc đẩy tôi chủ động quan sát, tìm kiếm điểm tốt ở người khác, một cách thầm lặng.

Chuyện là, ở chỗ tôi làm có một chị gái tính cách khá khó chịu. Chị chỉ đôi lúc cười nói huyên thuyên với những đồng nghiệm thân, còn với người khác, kể cả khách hàng, chị thường lạnh nhạt, không niềm nở, thậm chí cau có, gắt gỏng trong một vài tình huống. Với một đứa hay cả nể, dễ tính như tôi thì tôi thấy chị này phũ quá. Ngay cả một số khách hàng cũng phản ánh thái độ của chị này. Nhưng tôi ngạc nhiên vì chị cũng được khá là nhiều người đồng nghiệp thân, quý. Một chị đồng nghiệp bảo: Tính nó thế thôi chứ nó tốt.

Sẵn dịp đi công tác cùng nhau, tôi bắt đầu quan sát các khía cạnh khác của chị. Nói về ưu điểm thì chị là một người kỹ tính, ngăn nắp, biết chăm sóc bản thân. Song song với những ưu điểm đó, tôi cảm thấy ở chị sự khắt khe, phán xét và dễ có những định kiến không tốt về người khác. So với “nhược điểm” thì những “ưu điểm” kia chưa thuyết phục được tôi. Ý tôi là tôi sẽ không thân thiết hay quý mến một người chỉ vì họ bị OCD (hội chứng ám ảnh cưỡng chế muốn mọi thứ ở vị trí của nó theo một trật tự được sắp đặt), thích nước hoa, hay chăm chút cho cơ thể sạch – đẹp – khoẻ mạnh. Suy cho cùng thì sự sạch sẽ, ngăn nắp… chủ yếu có lợi cho bản thân chị đầu tiên. Còn những “tính xấu” kia lại ảnh hưởng đến những người xung quanh…

Tôi muốn mình cũng có thể “thích” được chị như những người khác, hoặc ít ra là bớt lại những cảm giác “không thích”, “dị ứng”. Ấy thế mà, cảm giác “không thích” ở tôi còn tăng cao hơn khi tôi bị “tổn thương” bởi việc: chị thẳng thừng chỉ ra một lỗi sai trong quá khứ, mà tôi không nhớ mình có làm hay không, trước mặt nhiều người, trong lúc cả nhóm đang cùng nhau ăn uống. Lần duy nhất mà tôi tiếp xúc gần với chị là chuyến đi công tác, trước đó tôi chỉ gặp chị ở quầy giao dịch và giao hồ sơ. Vậy nên lỗi của tôi trong việc tương tác với khách hàng, chắc chắn không phải do chị quan sát được, mà rất có thể là hóng hớt từ ai đó và tam sao thất bản. Hơn nữa tôi cố nhớ lại xem có khi nào mình hành động như chị nói không, nhưng việc đó thực sự không có trong trí nhớ của tôi. Và tôi cũng không nghĩ mình đã làm như vậy, trong khi chị khẳng định chắc nịch là có, mà không giải thích thêm.

Nhưng trong tình huống đi chơi với cả nhóm đang vui, tôi chọn không tranh cãi với chị để thanh minh cho mình mà im lặng luôn. Tôi cũng bỏ luôn cái ý định gặp riêng để làm rõ với chị vì tôi thấy không cần thiết phải bận lòng việc một người không thân thiết nghĩ gì về mình, càng không cần cố gắng thay đổi suy nghĩ của họ. Tôi tự xác nhận rõ ràng với bản thân rằng không có việc như họ nghĩ là được!

Sau những ấm ức, vì thời gian chuyến công tác vẫn còn nên tôi tiếp tục để ý xem ở chị có tính tốt nào nữa không. Thế rồi tôi tự trả lời được rằng: ưu điểm thật sự của chị nằm ở “sự hỗ trợ kịp thời”. Tôi cảm nhận ở chị sự để ý, chủ động và nhanh chóng có những hành động nhỏ hỗ trợ tôi và những người khác trong bữa ăn như lấy giấy, đưa đũa, múc canh… Tôi nhận ra sự tử tế, tốt tính không chỉ nằm ở thái độ mà còn ở hành động. Và thực tế nó cũng được đánh giá cao hơn khi được bộc lộ thông qua hành động hỗ trợ.

Sau khi quan sát được đặc điểm đó của chị, dường như tôi đã tự giải phóng mình khỏi cảm giác “không ưa”. Tôi trở nên có thiện cảm hơn với chị ấy, đồng thời vẫn giữ quan điểm của mình rằng: nếu chị ấy tươi cười, niềm nở, vui vẻ, thân thiện… thì sẽ tốt hơn. (Bởi vì khách hàng hoặc đồng nghiệp vốn không có xích mích gì với mình, họ không xứng đáng để nhận được từ mình một thái độ lạnh nhạt hay cau có.) Nghĩ lại, chị ấy là một người đồng nghiệp không thân thiết, tôi sẽ không ghét một người chỉ vì họ cáu kỉnh, lạnh nhạt với tôi nhưng không phải do lỗi tại tôi. Bởi nếu họ đang bực chuyện khác hoặc họ thường xuyên không kiểm soát được tâm trạng thì cũng thông cảm được. Tự tôi vừa thấy không thích, lại vừa thấy không đáng để ghét, nên tôi đã cố gắng thay đổi góc nhìn và tìm kiếm những cảm nhận khác hơn.

Sau cùng thì tôi nhận ra: việc chủ động quan sát tính tốt ở người khác mang đến lợi lạc cho chính tôi. Bên cạnh việc học hỏi những điều tốt đẹp ở người khác thì, tôi còn rũ bỏ được những sự lấn cấn, thắc mắc, khó chịu ở trong tâm. Tôi nghĩ đến việc thực tập điều này đối với những người thường xuyên tiếp xúc với mình, như mẹ tôi chẳng hạn.