Là cha mẹ – Xin đừng dạy con “ngoan”

Điều này có vẻ là đi ngược với truyền thống đề cao chữ “hiếu” của Nho giáo. Nhưng thật ra không phải. “Hư” và “bất hiếu” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

“Hiếu” đúng nghĩa của nó là yêu thương, biết ơn cha mẹ. Không nghe lời chưa chắc là bất hiếu. Nếu bạn có con, nhưng con bạn không để tâm đến những lời bạn nói, thậm chí cãi lại bạn, đừng vội buồn. Đừng vội nghĩ rằng bạn là kẻ bất hạnh có đứa con bất hiếu. Đừng vội xấu hổ vì đứa con của bạn không ra gì, và đừng vội sợ thiên hạ cười. Bởi vì nếu “không nghe lời” là bất hiếu thì người “bất hiếu” cũng là Đức Phật. Chuyện kể rằng: Đường đường là một thái tử quyền qu‎ý đầy mình, vợ đẹp con khôn, đột nhiên người bỏ nhà đi tu, làm cha mẹ đau lòng khôn tả xiết. Tưởng là ra đi mãi mãi, nhưng nhiều năm sau, sau khi chứng ngộ, Đức Phật đã trở về “độ” cho cha mẹ và người thân của mình. Như vậy, Đức Phật tuy không phải là một đứa con “ngoan”, nhưng vẫn là đứa con có hiếu.

“Ngoan” theo cách hiểu thông thường nhất là nghe lời, đáp ứng hoặc ít nhất là không đi ngược với những kỳ vọng của cha mẹ. Mà thường thì những kì vọng của cha mẹ đại diện cho những kỳ vọng của xã hội đối với một cá nhân. Ngày xưa thì người ta kì vọng con trai học giỏi, đỗ đạt làm quan hoặc phải có uy tín với xã hội (thầy giáo), nếu không thì ít ra cũng phải là một người lương thiện, nuôi được vợ con. Con gái thì phải công dung ngôn hạnh, kiếm được chồng tốt và sống đúng nếp nghĩa với nhà chồng. Những thập niên gần đây, kỳ vọng của cha mẹ dành cho con cái thường là học giỏi – có bằng cấp, có công ăn việc làm. Nếu là con gái thì vẫn cần 4 chữ: công dung ngôn hạnh – với mức độ quan trọng tăng dần về sau. Còn con trai thì cần phải có danh chức, hoặc tài năng để kiếm được nhiều tiền nhằm xây dựng cơ ngơi, gia tộc (lập gia đình, sinh con đẻ cái, xây nhà cửa, thờ cúng tổ tiên, có úy thế với xã hội v.v..), sao cho xã hội phải ghi nhận.

Những người không làm trái với những nguyện vọng trên thì được cho là “ngoan”. Những người không những không làm trái mà còn đáp ứng trọn vẹn, đầy đủ, thậm chí vượt quá sự mong đợi của cha mẹ và kỳ vọng trung bình của xã hội thì được cho là “giỏi”. Những người đi ngược lại với những kỳ vọng trên, tất nhiên bị coi là “hư” – “mất dạy”. Xã hội thường chấp nhận người “ngoan”, coi trọng người “giỏi” và từ chối người “hư”.
“Ngoan” và “hư” cũng có tính chất tương đối, tùy thuộc vào thời điểm, tâm trạng, kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái, và áp lực xã hội mà cha mẹ đang phải gánh chịu. Người có địa vị cao thường có áp lực phải kỳ vọng ở con cái họ cao hơn so với người có địa vị thấp, nên chỉ tiêu “ngoan” – “hư” ở mỗi nhà cũng khác nhau.

Như vậy, bản chất của “ngoan” và “hư” chính là “đường lối” mà những người lãnh đạo/ thống trị xã hội tạo ra/ cài đặt vào tâm trí quần chúng – những người đang và sẽ làm cha mẹ. Đường lối này sẽ được tiếp tục thông qua những kì vọng mà cha mẹ áp đặt lên con cái, và hai chữ “ngoan” và “hư” giống như một chiếc la bàn – kim chỉ nam, cho biết một người đang đi đúng hướng hay đang đi chệch khỏi đường lối đó.

Một đứa trẻ vướng bận bởi hai khái niệm “ngoan” và “hư” chính là đang bị dẫn dắt bởi hệ tư tưởng lãnh đạo/ thống trị xã hội. Khi một người sử dụng khái niệm “ngoan” và “hư” để phán xét người khác, có hai khả năng xảy ra: hoặc là họ bị nô lệ bởi những khái niệm này, hoặc là họ sử dụng những khái niệm này để quản l‎ý/ kiểm soát/ thao túng người khác. Thông thường là hai điều này xảy ra đồng thời. Không có gì đáng ngạc nhiên về việc những người lớn thường hay tự ái khi nghe ai đó nói mình “ngoan”.

Là cha mẹ, chúng ta đang tiếp nối công việc của sự sáng tạo tự nhiên. Chúng ta không sinh con chỉ để phục vụ chúng ta, chăm lo tuổi già và hậu sự cho chúng ta. Cũng như tạo hóa không sinh ra loài người chỉ để làm đẹp cho chính nó. Con người có ‎‎ý chí tự do để phát triển theo cách mà con người muốn. Vậy tại sao chúng ta lại bắt con cháu chúng ta phải tuân theo những xiềng xích về tư tưởng mà chúng ta tạo ra? Bạn đã chọn lựa làm nô lệ, điều đó không có nghĩa là con cái bạn cũng muốn làm nô lệ.

Nếu con bạn là một đứa trẻ với biểu hiện cực kỳ ngoan, thế thì cũng có hai khả năng: hoặc là nó bị tẩy não như bạn, hoặc là nó đang phải tự mình vật lộn với những giá trị đối chọi nhau trong nội tâm – một trạng thái khổ sở. Sự vật lộn này sẽ dẫn đến điều gì?

Việc thường xuyên phán xét một đứa trẻ là “ngoan” hay “hư” (hoặc những nội dung tương tự) có thể dẫn đến sự bất an trong tâm l‎ý của đứa bé, nhất là khi từ “ngoan” đi kèm với thái độ yêu thương, hạnh phúc, thừa nhận, còn “hư” đi kèm với thái độ miệt thị, đau khổ, chối bỏ. Trẻ em rất nhạy cảm với cảm xúc của người khác, nhất là những trẻ em gái. Vấn đề thường trực nhất mà một đứa trẻ ngoan gặp phải là “sợ người khác phật ý”. Nghuyên nhân là, bên cạnh nỗi sợ không được thừa nhận, chúng cảm thấy dường như phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ nỗi khổ nào của người khác. Điều này là nguy hiểm, vì nếu “từ chối” lại đồng nghĩa với “làm người khác đau khổ” thì chúng không còn cách nào khác là phải gật đầu trước tất cả mọi người, với tất cả mọi chuyện. Không biết cách từ chối đồng nghĩa với không biết cách tự bảo vệ mình. Những đứa trẻ như vậy sẽ không thể tự chủ, ngay từ những tình huống thông thường của cuộc sống cho đến những quyết định quan trọng trong cuộc đời. Và chúng sẽ dễ dàng bị sai khiến/ dụ dỗ/lợi dụng/ bóc lột/ lừa đảo/ xâm hại… trở thành những nạn nhân của cuộc đời, để rồi rốt cục cũng sẽ bị gọi là “hư”.

Những đứa trẻ không nghe lời thực sự độc lập hơn về mặt tâm l‎ý, chúng cũng có bản năng tự vệ xã hội cao hơn, người lớn không dễ bắt nạt chúng, và chúng cũng không phải là những đứa trẻ sinh ra để chịu đựng bạn. Chính vì vậy, chúng dễ khiến bạn phật ‎ý và nổi cáu, có khi làm bạn tức phát khóc vì không thể nói nổi chúng, thậm chí có thể khiến bạn thù dai vì bị chúng làm cho bẽ mặt. Bí quyết để không bị ức chế là bạn phải coi những đứa trẻ đó như những cá nhân độc lập, có chính kiến, có tự do ‎‎ý chí, và bạn không có quyền áp đặt lên chúng bất kỳ điều gì. Thực tế thì mọi người lại coi chúng là những đứa trẻ lỳ lợm, khó ưa, chính điều này khiến chúng có những hành vi chống đối xã hội.

Dù truyền thống xã hội có tốt đẹp đến đâu, những đứa trẻ hư vẫn đang tồn tại – như một lời thách thức. Dù chúng ta áp dụng bao nhiêu phương cách: vacxin, trường học, trường quân đội/ trại giáo dưỡng, thuốc men, đòn roi, quát mắng, uốn nắn, dụ dỗ, cưng chiều, bằng cách này hay cách khác những đứa trẻ trầm cảm, tự kỷ, tăng động vẫn cứ xuất hiện – như một sự biểu tình trong câm lặng. Nó cho thấy tồn tại những vấn đề mang tính hệ thống.

Hãy nhìn vào một đứa trẻ. Bạn thấy gì không? Nó đang lớn đấy! Những đứa trẻ đang lớn, và những hình mẫu mà xã hội kỳ vọng cũng đang thay đổi. Những gì bạn đang nhìn thấy không phải là những thứ mà bạn sẽ nhìn thấy. Chuỗi sự kiện đang là a – b – c, nhưng không có gì chắc chắn rằng sự kiện kế tiếp có phải là d hay không. Sự thay đổi là liên tục, nếu bạn cưỡng ép một đứa trẻ phải tuân theo những hình mẫu cũ trong bạn – những hình mẫu cố định, bạn đang cưỡng lại quy luật tự nhiên. Vâng, chúng ta đã biết tự nhiên tuân theo một vài quy luật, nhưng khi kết hợp các quy luật đó lại với nhau, kết quả khó mà dự đoán. Vậy nên, đừng chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân và những sự kiện xảy ra xung quanh ở hiện tại để dự đoán bộ mặt xã hội tương lai vào thời điểm mà con bạn đã lớn – dù thời điểm đó chỉ là một vài năm tới. Ở thời điểm quá khứ và hiện tại, bạn nhìn thấy xã hội đề cao vật chất, tiền bạc, bằng cấp … nhưng một vài năm nữa, ai biết đâu được? Bạn phải loại bỏ khỏi đầu mình những hình mẫu được tạo ra bởi tư tưởng xã hội, và nhìn thẳng vào đứa con của mình. Nó có những đặc điểm gì? Điều gì khiến nó vui vẻ mỗi ngày? Những khuynh hướng phát triển của nó là gì? Hoặc bạn phải nhìn xa hơn nữa: Hãy nhìn vào quy luật của những hình mẫu? Điều gì chi phối, làm thay đổi các hình mẫu xã hội qua mỗi thời kỳ? Liệu thời điểm này có phải là thời điểm dành cho sự đổ vỡ của những hình mẫu đang có? Nếu bạn không thể chắc chắn về tính đúng đắn của những hình mẫu, việc bạn phán xét con trẻ là “ngoan” hay “hư” có ‎tác dụng gì ngoài việc chỉ làm chúng thêm hoang mang, tự dằn vặt, phân vân…?

Mục đích của giáo dục thực sự không phải là tạo ra những tâm trí nô lệ, răm rắp nghe lời. Mục đích của giáo dục thực sự phải là tạo ra những con người đẹp đẽ và mạnh mẽ. Chính bạn, chứ không ai khác, mang trách nhiệm và sứ mệnh giáo dục con cái bạn cũng như những đứa trẻ xung quanh bạn. Hãy dạy chúng “ngoan” nếu bạn muốn tạo ra những con người yếu ớt, không có chính kiến và khả năng tự vệ. Hoặc tôn trọng sự cá biệt của mỗi đứa trẻ để chúng được phát triển với tất cả tiềm năng của mình.

– 2013–