“Người làm chủ được dục của mình sẽ trở thành siêu nhân”. Đó là một phần trong status của một trong số ít những người anh mà tôi cảm thấy ngưỡng mộ. Tôi đã chép lại lời anh ấy vào sổ tay từ hồi cấp 3. Bây giờ tôi không còn Facebook của anh ấy nữa, nhưng cuốn sổ ghi chép thì vẫn còn.
Hồi đó tôi không hiểu ý nghĩa của dục, tôi hiểu đơn thuần đó là tình dục. Nhưng bây giờ hiểu rộng ra hơn, tôi thấy đó là một câu cực kỳ hay! Ngay cả cách hiểu cũ cũng đã rất hay rồi! Hiểu rộng ra còn thấy hay hơn gấp vạn lần.
Tôi tạm chia dục tác động lên mình thành 3 loại:
– Thứ nhất: Dục của chính mình hướng đến những đối tượng thuộc về/ phụ thuộc nhiều vào mình. Ví dụ: dục muốn cơ thể xinh đẹp, khoẻ khoắn; dục muốn nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ; dục muốn công việc trơn tru; dục muốn kiếm được nhiều tiền; dục muốn con cái của mình (lúc còn nhỏ) được chăm sóc, được dạy dỗ…; dục muốn hiểu tường tận về một vấn đề nào đó; dục để học tiếng anh..v.v…
Loại dục này mình nên tập trung vào, quán xét tính đúng đắn của nó và tìm cách “hành” nó, đáp ứng nó. Đối với một “dục” mà ta cảm thấy cần phải “hành” nó, việc “hành” tốt dục đó hay không ta có một khái niệm là “năng lực hành động”. “Năng lực hành động” chính xác hơn là “năng lực hành dục” phụ thuộc phần lớn vào “động lực” – lực để duy trì một dục. Nếu không có “động lực” thì dục cứ khởi lên rồi tắt đi. Tạm ví “dục” giống như ngọn lửa trên cây nến, còn “động lực” giống như cây nến vậy. Ta không có nhiều “nến – động lực”, ta không thể “cháy” lâu.
Chỉ khi “dục” được giấy lên, được khuấy động trong ta thì ta mới bắt đầu “hành dục”. Trong tự nhiên, ở nhiều giống loài có “mùa động dục”, là cái mùa mà dục sinh sản được giấy lên, được khuấy động, buộc con vật phải có hành động đi tìm bạn tình và sinh sản…
Khi một dục nào đó được giấy lên, được khuấy động trong ta, nếu ta có sự tĩnh lại, có sự sáng suốt, thì ta đã bước đầu làm chủ được dục đó. Trong chớp mắt, ta quan sát và ra quyết định có hành nó hay không. Vấn đề thứ 2 mà ta phải đối mặt khi hành dục đó chính là “động lực” – lực để duy trì dục đó. Đặt ra mục tiêu thì dễ, nhưng bám sát mục tiêu thì khó. Chính vì vậy, người ta quan tâm nhiều đến “lý do”, tại sao chúng ta lại chọn mục tiêu đó? Ly do ở đây chính là “dục để hành một dục khác”, cứ đi tìm ra căn nguyên tường tận, có thể ta sẽ tìm đc cái dục gốc, cái dục sâu xa hơn, cái dục gần với bản tâm của ta hơn – nơi bắt nguồn năng lượng, nhờ đó ta có nhiều động lực hơn. Vì lực hành động đi thẳng từ tâm ra, không còn thông qua nhiều lớp sàng lọc nên đỡ tốn năng lượng hơn chăng? À, bây giờ có một khái niệm gọi là “bán hàng từ tâm”, cũng là ý này chăng?
– Loại dục thứ 2: Là dục hướng đến những đối tượng “ở bên ngoài mình”, “không thuộc về mình”, “mình không có sức ảnh hướng lớn”, “có sự phụ thuộc 50/50”. Thông thường đó chính là những kỳ vọng mà bản thân áp lên người khác. Ví dụ như: dục muốn ba mẹ sống vui vẻ, hoà hợp với mình; muốn được người khác chấp nhận, ủng hộ mình; muốn chồng cố gắng phấn đấu chịu khó làm việc kiếm nhiều tiền đưa cho mình, muốn có ai đó lắng nghe, đồng cảm với mình…; Muốn con cái nghe lời mình… Muốn người yêu ta phải tiếp tục yêu ta và bên ta mãi mãi… Loại dục này, nếu tập trung vào thì dễ cảm thấy buồn bã, giận giữ, đau khổ, thất vọng, chấp trách… vì mình không kiểm soát được. Như vậy, ta cứ nghĩ người khác làm ta khổ, nhưng thực ra chả ai làm ta khổ cả, chỉ có ta tự làm khổ mình bởi những “kỳ vọng” của chính ta. Phần lớn những kỳ vọng đó là vô lý, và việc ta cần làm đó chính là “học cách buông bỏ”. Người ta nói “đủ đau thì sẽ buông”, những người có sức chịu đựng mạnh mẽ, sự bám chấp sâu dày thì sẽ rất khó buông. Bởi vì đau mấy, khổ mấy họ vẫn chịu được.
Nói đi cũng phải nói lại, không phải tất cả dục hướng đến đối tượng bên ngoài đều là xấu. Nếu vậy thì còn gì là “tạo tác”, là “giáo dục” nữa? Nếu ta thấy có dục nào đó là chính đáng, và xứng đáng để ta thực hiện thì ta vẫn cần phải hành dục đó. Sự hành dục này áp dụng lên người khác/ sinh vật khác… Nhiều khi sẽ khiến đối tượng cảm thấy “bị hành”, “ăn hành”. Và trong một mối quan hệ mâu thuẫn, hai đối tượng ở gần nhau, tương tác dục lên nhau theo hướng triệt tiêu lẫn nhau, thì người ta gọi là “hành nhau”. (Hành nhau theo nghĩa tiêu cực thì nên tách nhau ra, ở riêng, chia tay, nghỉ chơi…). Làm thế nào để biết sự hành nào nên và sự hành nào không nên? Chỉ có trở nên sáng suốt và trí tuệ mới biết được thôi.
Đối với một dục tích cực, tốt đẹp, hướng đến đối tượng “khác”, “bên ngoài ta”.. Thì ta nên “nguyện” (tình nguyện, tự nguyện), để thực hiện công việc tạo tác, giáo dục (đối tượng), hành dục (của ta) một cách “vô ngại”. Vô ngại tức là không ngại khó, ngại đau, ngại khổ… Không ngại, không sợ bất kỳ điều gì… Vì không ngại nên không còn thấy khổ sở nữa… Hành dục lên đối tượng khác nhiều thì dần dần ta sẽ tăng được “sức ảnh hưởng”, “năng lực hành động”…
Như vậy với dục tác động lên đối tượng khác, một là “buông”, hai là “nguyện”, thì sẽ hết đau, và bớt hành nhau.
Nguyện nhiều, thực hành nguyện nhiều sẽ tạo nên “hạnh”, và từ “hạnh” ta sẽ có “phúc”, nên gọi là “hạnh phúc”.
– Thứ 3: Đó là dục của người khác tác động lên mình. Điều khiến mình cảm thấy phiền nhiễu, bị hành hoặc cảm thấy có phước, mấy mắn, vui vẻ… Tất cả là đây!
Thôi, đến giờ mình phải đi làm rồi. Đấy, dục đi làm đấy!
Để lại một câu trả lời