Mình là người thường hay phân vân. Mỗi lúc phân vân, mông lung, vô định… Ngoài việc tự vấn bản thân thì mình cũng thường tìm ai đó để hỏi.. (Cho nên mình cũng rất thích tư vấn cho người khác. Mình muốn giúp họ những lúc họ cần, giống như cách mình được giúp những lúc mình cần.)
Khi đang phân vân lựa chọn giữa A với B, một trong những câu trả lời mình được nghe nhiều nhất đó là “cả hai”. Những người được hỏi trả lời mình theo một cách rất nhanh chóng, dứt khoát, tự tin, không suy nghĩ. Cứ như câu trả lời chỉ chực bật ra ngay khi mình vừa dứt lời vậy. Ngạc nhiên không, tại sao một vấn đề khiến mình mông lung như vậy, thì với người khác lại đơn giản, dễ dàng đến thế?
Những người đưa ra câu trả lời ấy, họ có điểm chung là những người đã hoặc đang thành công trong lĩnh vực mà mình hỏi. Mình hiểu ý của họ là:
– Em hãy tiến hành cả hai cách, cách nào hiệu quả hơn thì làm tiếp.
– Em hãy đi cả hai còn đường rồi chọn con đường mà em thích.
– Không thể ngồi một chỗ mà tưởng tượng ra được, cứ làm đi rồi cuộc sống sẽ trả lời.
– Đừng ngại test, ngược lại cần phải test rất nhiều.
– Khi đang phân vân có nghĩa là em chưa trải nghiệm đủ, vậy hãy tiếp tục trải nghiệm và cảm nhận. Cho đến khi em thấy rõ đâu là con đường dành cho em.
– Cả hai, là cách chọn đúng cho lúc này. Không có nghĩa là mãi mãi như vậy. Trong trải nghiệm thực tiễn, hoặc cuộc sống sẽ phản hồi cho ta, hoặc ta sẽ tự nhận ra để loại bớt đi những cách chọn sai.
Một số người khác lại khuyên mình như này: Em chọn đi, chọn điều gì cũng được! Đừng để mình bị mắc kẹt quá lâu giữa hai lựa chọn. Một là em thông tỏ lựa chọn của mình, hai là em chưa thông tỏ nhưng vẫn chứ chọn thôi, nhưng hãy cắt đứt mọi đường lùi của mình để không phải nhìn lại nữa. Một khi em thoát khỏi sự mắc kẹt giữa hai lựa chọn,em sẽ tiến rất nhanh!
Mình hiểu, nhưng vẫn không chọn được! Cho đến khi nhận được gợi ý “chọn cả hai”, mình mới “à” ra, và trong chốc lát mình có cảm giác đc “thoát khỏi sự mắc kẹt giữa hai lựa chọn”.
Đúng rồi. Mình nhận ra: đừng phân vân nữa, chọn TẤT CẢ đi! Rồi tâm sẽ nhận ra đâu là “ngọc” và đâu là “rác” để bỏ lại dần dần. “Quyết tâm” có nghĩa là quyết định của tâm. Chỉ có quyết định của tâm mới đủ kiên định, đủ sức mạnh để không bị lay chuyển. Để có được sự quyết tâm thì phải hành động và cảm nhận chứ không phải ngồi một chỗ mà suy tưởng… Sự lựa chọn sẽ diễn ra một cách tự nhiên.
17/01/2020 –
Để lại một câu trả lời