HAI QUYỂN SÁCH TIẾP THÊM ĐỘNG LỰC VIẾT LÁCH

Đó là quyển “Tôi thích bản thân nỗ lực hơn” của tác giả Chu Xung, dịch bởi Từ Phương và quyển “Con đường trở thành Freelance Writer – Tôi đã kiếm 800.000.000 một năm từ viết lách như thế nào?” của tác giả Linh Phan. Hai cuốn sách đều có chung một lời nhắc nhở, một bí kíp thành công quan trọng: Hãy duy trì thói quen viết mỗi ngày, liên tục kiên trì không ngừng nghỉ! Đây cũng là lời gợi ý của Thầy dành cho tôi kể từ bài viết đầu tiên của tôi trên mạng cộng đồng Trực Tâm từ 3 tháng trước.

Hẳn là giai đoạn này tôi đang là một đứa chậm tiến. Chưa nói đến viết bài mới, ngay cả việc biên tập lại mỗi ngày một bài viết hoàn chỉnh thực sự vẫn còn là thách thức đối với tôi. Cho nên, tôi chưa bắt tay vào thực hiện ngay, chỉ lưu tâm đến lời gợi ý và ghi nhớ nó, nhưng vẫn chưa đưa ra được phương án hành động cụ thể. Trước đó, tôi cũng đã từng thử “mỗi ngày một bài viết” đăng trên trang facebook và web cá nhân nhưng chất lượng bài chưa “tới”. Tôi cũng thử “trang viết buổi sáng”, thậm chí tôi còn viết hẳn 3 trang mỗi ngày. Đó là hoạt động viết tự do, viết bất chấp, viết ra và quan sát lại những suy nghĩ lộn xộn, những cảm nhận, ý định… của bản thân. Từ đó xuất hiện những ý tưởng loé sáng trong quá trình viết tự do, để biên lại, viết lại thành một bài hoàn chỉnh. Mặc dù sản sinh được một số bài viết nhờ hoạt động này, nhưng tôi cũng đã dừng lại sau một thời gian và không muốn tiếp tục lặp lại nó, có lẽ do chưa cảm nhận được sự tiến bộ, bứt phá rõ rệt.

Trở lại với hai quyển sách nói trên, sách của Linh Phan, tôi mua đã lâu nhưng vẫn chưa dành thời gian để đọc. (Do tạm ngưng thói quen đọc sách, trên giá sách của tôi hiện tại có khá nhiều quyển như vậy.) Sách của Chu Xung thì tôi mới mua, và đọc ngay lúc vừa về tay. Lâu rồi tôi không đặt sách, bởi sách trên kệ còn nhiều mà tôi chưa kịp đọc, nhưng khi quảng cáo sách của Chu Xung hiện ra với tựa đề hấp dẫn, bìa sách có số 11:11, tôi biết mình phải mua nó. Thời gian tôi đặt và nhận sách loanh quanh ngày 11/11/2023, đợt này tôi cũng thường bắt gặp con số 11 ở khắp mọi nơi. Ngoài ra, tôi cũng nhận được thông điệp từ tarot về việc đọc sách, nên quyết định quay lại với thói quen này.

Đúng như hình dung của tôi, quyển sách của Chu Xung truyền cảm hứng để tôi cố gắng, nỗ lực rèn dũa bản thân, tự dựa vào sức mình. Bên cạnh đó, các bài viết còn chứa đựng những thông điệp, lời khuyên phù hợp với cá nhân tôi trong giai đoạn này. Mặc dù, tôi không chắc mọi quan điểm, tư tưởng của tác giả đều đúng, nhưng tôi cảm nhận và chấp nhận rằng chúng đúng với hoàn cảnh, trải nghiệm, con đường hiện tại của tôi. Thực ra, tôi cũng đã từng nhận được những lời khuyên, khuyến khích hành động tương tự như thế. Còn có một số điều tôi ngộ ra gần đây lại được khẳng định, củng cố quan điểm trong quyển sách này. Tuy nội dung không thực sự mới mẻ, nhưng những lời thì thầm của tác giả tựa như một dòng chảy nhẹ nhàng, thẩm thấu, nung nóng tinh thần tôi. Tôi nghĩ: không cần phải ghi chép, gạch chân, cố gắng ghi nhớ những gì cần áp dụng từ sách vào đời sống. Điều đó không thực sự có tác dụng bằng việc nội tâm tôi đã được tác động để thay đổi qua quá trình đọc sách.

Tiếp nối cuốn tản văn của Chu Xung, tôi bắt gặp quyển sách của Linh Phan ở trên giường. Tôi đã lấy nó ra khoảng chục ngày trước, định bụng sẽ đọc vào buổi tối trước khi ngủ. Đang trong mạch đọc, vừa hay nó là quyển sách liên quan tới viết lách nên tôi lại mang nó theo bên mình để đọc tiếp sau khi đọc xong cuốn “Tôi thích bản thân nỗ lực hơn”. Nếu quyển sách của Chu Xung là tổng hợp những lời chia sẻ, tự sự xoay quanh những trải nghiệm, góc nhìn về đời sống của một cây viết tự do từ lúc bắt đầu cho đến khi đã nổi tiếng, thì quyển sách của Linh Phan lại là một tuyển tập hướng dẫn đơn giản, dễ đọc, cặn kẽ từng đường đi, nước bước, trao truyền những kinh nghiệm của người đi trước để người đọc có thể học hỏi, áp dụng trong quá trình trở thành một người làm việc tự do (freelancer) nói chung và một cây viết tự do (freelance writer) nói riêng. Một cuốn truyền động lực, một cuốn trao phương pháp.

Mặc dù hai cuốn sách đều đề cập về việc viết lách, chúng đều phù hợp và xứng đáng để đọc đối với những người không/ chưa có ý định kiếm tiền từ việc viết. Chung quy lại, viết lách là một hoạt động thiết yếu trong đời sống hàng ngày, nhất là với người lao động trí óc. Làm việc độc lập, tự do cũng là một khả năng thiết yếu cho bất kỳ ai, dù họ đang làm công ăn lương hay đã là một người chủ doanh nghiệp. Nghề viết lách tự do không đơn thuần chỉ là viết mà nó còn là tự tổ chức một doanh nghiệp mini của bản thân, cũng tương tự như những nghề nghiệp khác. Tự dựa vào sức mình, sống độc lập, không dựa dẫm, dám dũng cảm bứt phá… chính là điều mà bất kỳ ai cũng đều hướng đến để trưởng thành.

Trong quá trình đọc sách, chợt nhận ra tôi viết lách nhiều hơn mình tưởng. Hằng ngày tôi vẫn giao tiếp với bạn bè, khách hàng, học viên bằng tin nhắn. Trong công việc ở ngân hàng, tôi thường xuyên làm việc với giấy tờ, soạn thảo bộ hồ sơ, hợp đồng để cho vay. Trong công việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, tất nhiên vẫn cần có khâu viết lách ở trước, trong và sau khi buổi học kết thúc. Thậm chí, công việc này còn thôi thúc tôi tìm hiểu, rèn luyện, mài dũa khả năng viết lách của mình ở các thể loại, hình thức văn bản khác nhau, nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ của bản thân, từ đó thiết kế nội dung học tập phù hợp, sát sườn với thực tế cuộc sống. Điều này góp phần gia tăng động lực viết lách trong tôi.

Nhớ lại quãng thời gian trước đây, tôi chủ tâm luyện viết mỗi ngày, nhưng chưa nhìn ra định hướng cho việc viết lách, trong lúc lại có trải nghiệm và tầm nhìn rõ ràng hơn một chút trong khía cạnh âm nhạc. Nên tôi chuyển sang ưu tiên viết các bài hát hơn là các bài viết đơn thuần. Đọc sách, tôi nhận ra rằng cơ hội cho việc viết lách thực sự rộng mở và thiết thực hơn mình nghĩ. Thực ra, cơ hội rèn luyện bản thân và phát triển sự nghiệp đã bắt đầu mở ra trước mắt tôi kể từ khi mạng cộng đồng Trực Tâm ra đời. Chỉ là đối với năng lực của tôi thì vẫn còn xa vời!

Với những sự thôi thúc liên tục: Hãy viết đi! Hình thành thói quen viết mỗi ngày! Coi mỗi cơ hội khi đặt bút, gõ phím… là một lần để rèn luyện, trau chuốt, chỉnh chu, cẩn ngôn… đang thì thầm bên trong tôi. Và với những tấm gương trước mắt như các thầy, hay các tác giả của hai cuốn sách… Tôi cảm thấy có niềm tin hơn vào việc viết lách và sự rèn luyện. “Mỗi ngày một bài viết” – hy vọng không còn quá khó đối với tôi trong thời gian tới.