DỌC SÔNG LONG ĐẠI

Hạ Long: nơi rồng hạ xuống
Thăng Long: nơi rồng bay lên
Cửu Long: 9 con rồng
Long Đại: 1 con rồng rất bự.

Quảng Bình mới là nơi Long Đại trú ngụ nha!
Bên cạnh dòng sông Long Đại còn có núi Thần Đinh: chính là Thần của núi. Con rồng và thần núi ở cạnh nhau cũng vip pro phết chứ nhỉ? Thực hư thế nào thì để mấy đội tâm linh kiểm chứng vậy.

Vừa mới xác định vấn đề của mình là “cần được tiếp nước”, thì tự dưng tôi được set kèo đi phượt thiện nguyện dọc dòng sông Long Đại lên thác Tam Lu. Chuyến đi rất thú vị! Anh lái đò rất nghệ, ngay cái tên profile cũng đủ nghệ rồi: Anh Thái lái đò sông Long Đại. Thái như thái cực và Long như chữ S của hình tròn âm dương. Lần đầu tiên đi đò tôi được ngồi trước mũi thuyền, cảm nhận được lực đẩy của nước từ dưới lên, và sự xốc nảy của con đò khi liên tục va vào những con sóng.

Không hổ danh là dòng sông đẹp nhất mà anh bạn làm nghề du lịch của tôi từng đi. Dọc 2 tiếng lướt trên sông, chúng tôi được ngắm những khung cảnh khác nhau liên tục thay đổi hai bên bờ: Từ cánh đồng cối xay gió, cho đến những bãi đá, bờ cát. Từ những đàn trâu ngâm mình giữa dòng nước rất chill, cho đến những công trình của con người.

Thêm cả thời tiết hôm nay tuy hơi nóng nhưng đẹp nao lòng. Có khoảng trời trong xanh không một gợn mây, lại có khoảng trời được điểm tô bởi những đám mây trắng bồng bềnh trôi. Cây cối hai bên bờ xanh mướt mượt, dãy núi đá vôi đủ độ hùng vĩ để chúng tôi tưởng mình đang ở Phong Nha, Ninh Bình hay Vịnh Hạ Long, lại vừa tầm mắt để quan sát hay lọt vào khung hình của ống kính.

Cảnh những bãi đá nhấp nhô trên nước cũng khiến chúng tôi trầm trồ trước vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Tôi lướt tay trên dòng nước êm mát, cảm nhận sự dịu hiền của dòng sông và ngắm sự kỳ thú của những đám mưa ánh sáng được tạo bởi ánh nắng vàng mật rớt xuống và sự phản chiếu của làn nước mát trong.

Thuyền chúng tôi lướt qua cả những đoạn nước sâu và xanh, lẫn những đoạn nước nông nhìn được tới thảm đá ở dưới đáy. Tôi cảm thán trước sự điệu nghệ của tay lái lụa, hứng thú với những màn rẽ nước khá tốc độ – cũng là thứ mà tôi đang thiếu.

Năng lượng của tôi là sự cô đặc, nhiều sắc màu, có lẽ là nhiều hỏa nhưng thiếu thủy? Ở tôi có tính sáng tạo cần được thể hiện. Nhưng điểm hạn chế là sự tách biệt, trì trệ, kém hòa nhập, chậm tiêu, chậm tiến, khó thích ứng với sự thay đổi. Là khách hàng trung thành, và cũng đang yên vị với công việc đang làm, tôi có những thói quen gần như cố định. Nhưng cuộc sống sẽ không cố định như những thói quen thường nhật của tôi, cuộc sống vẫn đang và sẽ đòi hỏi ở tôi nhiều sự học tập, đổi mới, nâng cao trình độ, nâng cấp kỹ năng. Nếu không thay đổi tình trạng “bị cô đặc”này, tôi sẽ không theo kịp với những thay đổi của môi trường.

Thực ra, sự “không theo kịp” này đã từng nhiều lần diễn ra với tôi. Nên điều này hoàn toàn có cơ sở. Và đó là một vấn đề đáng báo động, bởi vấn đề “chậm tiêu” này diễn ra ở mọi khía cạnh của cuộc đời. Về sức khỏe, nó là sự tiêu hóa chậm, trao đổi chất kém, chậm chạp, khí huyết kém, dư muối… Về công việc, tôi lười biếng chỉ muốn duy trì những gì đang có, không sẵn sàng học tập và hành động để thay đổi và phát triển. Cho dù tâm trí có mong muốn thay đổi thì cũng không phá nổi quán tính ù lỳ. Trong vấn đề lựa chọn, ra quyết định, tôi thường hay bị phân vân, thiếu quyết đoán. Trong cuộc đời, có những bài học, tình huống lặp đi lặp lại nhưng tôi mãi vẫn chưa ngộ ra. Thay đổi có vẻ là liên tục nhưng kỳ thực thứ cần thay đổi thì vẫn chưa thay đổi.

Giải pháp mà tôi tiếp nhận gần đây là: tôi cần bổ sung nước. Theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bổ sung nước để cơ thể không bị khô khát và tâm trí không bị cô đặc. Bổ sung “nước” để hòa nhập với tập thể, hội nhập với thời cuộc, pha loãng những màu sắc của tôi, bộc lộ cá tính ra bên ngoài, để học hỏi, thích nghi tốt hơn, linh hoạt, nhanh nhẹn hơn, bao dung và cởi mở hơn, trong lắng và sáng tỏ hơn… Tôi cần dừng “nạp” và tăng “xả”, tiếp nhiều nước để xả. Dừng nạp chất bổ, dừng nạp thông tin, dừng mua sắm… Tăng tập thể dục, tăng sự bộc lộ bản thân qua những sáng tác, thanh lý bớt đồ đạc chăng?!

Đi dọc dòng sông, tôi dành tâm trí nhàn rỗi để cảm nhận trái tim mình. Nhận ra sự đau ở trái tim từ phía sau đến, tiếp theo là sự đau của xương sống và đĩa đệm gần tim, và sau đó lan rộng ra cột sống. Trong thoáng chốc tôi tưởng tượng năng lượng thủy đổ từ hai bên về trái tim theo hình chữ v. (Tất nhiên tôi cũng chỉ coi đó là một sự “tưởng” thôi.) Nghĩ mông lung ý tưởng bài hát về một cô gái có rất nhiều cảm xúc khác nhau với những anh khác nhau, khiến cô không thể đưa ra lựa chọn vì không thể dồn tất cả cảm xúc về một anh yêu duy nhất. Đó là trạng thái của sự phân vân. Đối trị với “phân vân” (chia ra nhiều) chính là “hợp nhất” (hợp thành một).

Sự hợp nhất có liên quan gì tới nước? Nước là chất dung môi, có tính bao dung, dung chứa. Trong nước có rất nhiều sinh vật, tạp chất khác nhau. Nước có thể hòa tan, pha loãng màu sắc. Đủ một lượng lớn, mọi màu sắc ban đầu cũng bị bay màu trong nước. Tất cả về một màu trong suốt của nước. Nếu tôi có rất nhiều màu, mà không thể phân chia chúng, nếu trộn tất cả các màu khác nhau, chúng sẽ có màu đen. Nhưng thậm chí cả khi thêm nước vào màu đen đó, thêm và thêm nữa, đến một lúc cũng sẽ không còn màu. Do đó mà mọi sinh hoạt của con người và động vật đều tập trung xung quanh dòng sông, từ nạp đến xả, không ai bị làm sao.

Hẳn nó là chìa khóa cho sự vận hành một cuộc sống quá nhiều sự phân chia: Hợp nhất công việc. Hợp nhất anh yêu. Hợp nhất mục đích… Hượm đã! Hợp nhất công việc thì còn được. Hợp nhất anh yêu thì tính sao? Chợt nghĩ ra: Thay vì chọn anh nổi bật nhất, đặc biệt nhất, cứ chọn anh nào nhạt nhất! Ủa nghĩ một hồi thấy anh nào cũng nhạt cả thì chọn ai ta? Dù sao thì: Hãy chọn một anh đủ nhạt để dung chứa tất cả cá tính của bạn. Tình cảm đôi khi nhạt một chút cũng không vấn đề gì. Vị nhạt là vị tốt cho sức khỏe. Cảm xúc nhạt thì bản ngã tịnh. Tình nhạt hẳn là tình bền! Sống nhạt đi một chút có lẽ cũng không nhạt!

Xả bớt muối, xả bớt năng lượng, xả bớt rác, xả bớt vật chất, xả bớt lo toan, xả bớt tham, xả bớt phiền… Lại chợt nghĩ: Chuyến đi phượt thiện nguyện này cũng là một hoạt động “xả”, những vật chất khá thừa ở thành phố như đồ ăn, quần áo, đồ chơi… thì trẻ em trên bản lại đang thiếu thốn. Và cuộc sống thì vẫn cần có sự cân bằng!

– 31/05/2023 –