Giáng Linh

“Đoài phương phước địa giáng Linh”.

Hồi trước tôi đã từng được nghe thầy diễn giải một đoạn trong sấm trạng trình có câu này. Năm nay, tôi lại nghĩ về câu sấm đó, và tự vận nó vào mình, với một cách hiểu mới mẻ, nghịch ngợm của riêng tôi.

Chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ rằng tôi thật là bạo gan, ảo tưởng, hão huyền. Nhưng thôi, thi thoảng tôi vẫn để tâm trí mình bay bổng như vậy. Thử lục tìm trong tâm trí, xem có câu sấm nào có tên tôi không. Thực sự tôi cũng chả nhớ gì nhiều về sấm Trạng Trình, tôi ấn tượng và nhớ có vài câu, tôi còn chưa đọc hay nghiên cứu hết về sấm. May sao trong vài ba câu mà tôi nhớ được, lại có một câu có tên Linh.

Đoài phương có nghĩa là ở phương Tây/ phía Tây. Phước địa là một vùng đất lành, linh thiêng, may mắn. Giáng Linh nghĩa là có một sinh linh cõi cao đầu thai xuống làm người, một người kỳ tài xuất hiện. (Không phải tôi rồi). Đó là cách hiểu đúng. Còn cách hiểu luồn lách của tôi là như này: Đoài phương phước địa: phía Tây/ phương Tây là một vùng đất thuận lợi, được hậu thuẫn. Giáng: từ trên cao sà xuống, tôi liên tưởng đến máy bay hạ cánh. Linh: là một cô nào đó tên Linh. Như vậy phương Tây/ phía Tây là một vùng đất đầy phước lành mà cô Linh nên đặt chân đến.

Vận vào đời mình tôi thấy: Phía tây có thể là Thái Lan, khi nhóm dinh dưỡng mà tôi tham gia có cơ hội cho thành viên đi sự kiện bên Thái trong năm nay. Phương Tây có thể là Mỹ, khi tôi cũng có cơ hội được bảo lãnh sang đó. Và phương Tây cũng có thể là châu Âu, nơi mà các thầy của tôi chuẩn bị đặt chân đến, cũng trong năm nay. Phía tây cũng có thể là Bố Trạch, vì nơi tôi sống là thành phố Đồng Hới, đi về phía tây chính là huyện Bố Trạch với khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng.

Nếu là khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng thì ” giáng linh” không phải là đi máy bay. Mà Giáng Linh có nghĩa là tôi đứng từ trên cao nhìn xuống, từ trên cao đu dây xuống cái hang động nào đó, hoặc tôi xài fly-cam và google map khám phá khu vực này chẳng hạn (để làm gì chứ?).

Thú thực, nếu có tiền tôi cũng muốn đi khám phá Sơn Đoòng, hoặc hang động nào đó trong hệ thống các hang động ở đây đều được. Tôi thích hơn cả việc ra nước ngoài chỉ để du lịch. Thời gian 2 tuần đi Sơn Đoòng còn ngắn hơn cả thời gian cần thiết để ra Bắc và được training (Thời gian cần thiết tối thiểu là 1 – 3 tháng). Tính ra đi Sơn Đoòng còn khả thi hơn! Tưởng xa vời, hóa ra lại trong tầm tay?

Ngoài đi du lịch khám phá Sơn Đoòng thì tôi còn mơ về một vùng đất, nơi tôi và các đồng sự cũng kiến tạo một điểm đến để tu tập, rèn luyện, học tập, lao động, sáng tạo, trao truyền, nghỉ ngơi… tương tự như học viện Bồ Đề ở Lương Sơn – Hòa Bình. Nơi mà vừa như một học viện để tu tập, vừa như một nhà dưỡng lão, một điểm đến của du khách quốc tế? Tôi chỉ mường tượng trong đầu vậy thôi chứ chưa làm rõ được những ý tưởng còn mơ hồ trong đầu mình. Như thế, chữ Giáng, ngoài nghĩa “máy bay hạ cánh” (điểm đến của khách quốc tế) còn có thể hiểu là nơi “người già nằm xuống” hoặc nơi “vĩ nhân xuất hiện”, hay là nơi mà tôi chọn làm điểm an cư cuối cùng trong cuộc đời? (Giáng Linh).

Linh còn có nghĩa là ánh sáng. Hai chữ Giáng Linh khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh ánh sáng vụt tắt. Năm nay, thầy giao cho tôi một nhiệm vụ nhỏ là nhóm lửa đêm giao thừa. Củi đã được mọi người vun sẵn thành đống, giấy bìa để mồi lửa cũng đã được tôi chuẩn bị. Cầm cái bật lửa trong tay, hình như đây cũng là lần đầu nhóm lửa nên tôi cứ loay hoay mãi làm bung luôn cái bật lửa. Tôi phải chạy đi lấy ngay một cái bật lửa khác để nhóm lửa lần thứ hai mới được việc. Đó là lúc tôi chuẩn bị đón giao thừa ở Lương Sơn – Hòa Bình.

Sự việc này xảy ra lần nữa ở đền Công Chúa Liễu Hạnh, Quảng Bình. Khi người đồng hành của tôi cũng bị hỏng mất cái bật lửa (đểu). Trước đó, tôi còn được người ta mời mua bật lửa, tôi thoáng có ý nghĩ mua ủng hộ, nhưng thấy chúng tôi có bật lửa rồi nên thôi. Không ngờ, lúc còn mỗi một điểm cuối để thắp hương thì bật lửa bị hỏng, chúng tôi phải ké lửa từ chỗ khác. Bật lửa bị hỏng hai lần nhưng cũng chẳng ảnh hưởng lắm tới công việc và trải nghiệm của tôi và những người khác. Nhưng sự việc lặp lại hai lần, tại hai không gian linh thiêng, hai địa điểm quan trọng vào dịp tết, khiến tôi không tránh khỏi những suy nghĩ miên man về ý nghĩa của hiện tượng đó.

Giáng Linh – ánh sáng lụi tắt. Giáng Linh – ánh sáng soi rọi xuống, chiếu xuống, hạ xuống, trở lại, được thắp lại. Hôm nay tự dưng tôi lại ngẫm ra: Ngọn lửa bị mất đi, nguội đi, tắt đi, không thắp lên lại được phải chăng là ngọn lửa tình? Đó là cảm giác xảy ra khi tôi được nghe kể, và ngẫm lại về những câu chuyện tình xảy ra duy nhất trong cuộc đời, không thể thay thế, và đã kết thúc. Có thể về sau vẫn có những cuộc tình khác, nhưng sẽ không có ai giống như một người mà ta đã từng cố để quên.

Ở một góc nhìn khác, ta đã tận hưởng đủ nhiều, đã đi đến tận cuối con đường, để thấy không còn ai đáng để ta trao đi tình yêu cuồng nhiệt. Nhưng tình người, sự cao thượng, lòng nhiệt huyết vẫn còn đó, để ta tiếp tục thắp lên một ngọn lửa mới. Ta thắp nốt ngọn lửa nhiệt huyết cho buổi chiều còn lại của đời người.

 

Mồng 6 Tết. 27/01/2023.