ĐỘNG LỰC

Mình luôn thấy mình có một sự trì trệ nào đó ngăn cản mình hành động. Mình thấy có hai yếu tố làm nên sự trì trệ này, đó là tính lười biếng và sự dễ thoả mãn. Có câu nói: “đã lười thì đừng tham, mà đã tham thì đừng lười”. Với mình thì giữa tham và lười, mình chọn lười.

Ban đầu mình tin tưởng rằng mình sẽ hết lười khi mình được làm điều mình thích làm và muốn làm. Nhưng không! Sau khi đã tìm được hướng kiếm tiền mà mình “muốn và thích”, đạt tiêu chí “có ý nghĩa và có ý nghĩa sâu sắc”, theo một cách khá làdễ và sướng“... Thì mình vẫn giữ tập khí lười biếng, mất tập trung, và chỉ thi thoảng mới nhích lên một chút sương sương, vừa đủ xài rồi lại nghỉ.

Mình không có khái niệm làm việc liên tục và đều đặn mỗi ngày, ngoại trừ việc lướt FB, Youtube… Những việc khác, cần có tác động bên ngoài thì mình mới thực hiện. Những điều kiện đó là gì: là khi người khác “cần” mình làm việc với một lịch hẹn hay deadline cụ thể, và khi mình cần kiếm đủ số tiền để chi tiêu trong tương lai gần (1-2 tháng). Giả sử mình đã kiếm đủ số tiền cần tiêu, đồng thời mình cũng làm xong hết những việc mà người khác cần mình làm trong tháng đó, thế thì mình sẽ nhởn nhơ, thong thả đợi đến tháng sau mới làm, hoặc đợi tới lúc nào “có hứng” thì mới làm. Mình không “rảnh” đi kiếm thêm việc để làm, hay nghĩ ra cách tiêu nhiều hơn để cày nhiều hơn. Lười mà! Tiêu tiền cũng đau đầu chứ bộ.

Mình hài hước tự đặt tên cho tình trạng này gọi là “hội chứng suy giảm động lực”. Mình luôn chú trọng đến cái gọi là “điểm dừng”, khi công việc chạm đến cái điểm dừng đó rồi, nhiệt huyết và động lực của mình lập tức suy giảm. Mình lại rất “khôn” khi không đặt ra những mục tiêu – điểm dừng quá cao. Và mình cũng rất “tỉnh” trước những cám dỗ của công việc và tiền bạc, danh lợi, để không bị cuốn vào guồng quay – vòng xoáy của chúng….

Vào một ngày, mình nhận ra là mình … “Khá rảnh”. Mình tự hỏi mình có thật sự muốn làm những điều đó không? Rõ ràng mình vẫn nhìn thấy lý do, mục đích để làm nhưng tại sao mình vẫn không làm khi đang dư ra thời gian và sức lực?

Hiện tại, mình bỗng nhận ra một điều: Mục đích mà mình tưởng là có ý nghĩa, có ý nghĩa sâu sắc, hình như vẫn chưa sâu sắc lắm? Khi mình đặt mục tiêu: làm cái này cái kia để vừa có tiền, vừa có ích đối với người khác, hay với xã hội… Thì mình chỉ dành một phần nào đó khả năng của mình để làm việc thôi! Rất có thể, mình phải thật sự VÌ CHÍNH MÌNH, vì sự tăng trưởng các năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, phẩm hạnh… ở mình, thì mới quyết tâm nỗ lực 100%, không ngừng nghỉ!

Chẳng hạn với công việc sáng tác: Nếu làm để kiếm tiền thì một tháng có khi bán được 2 bài, là tạm đủ xài rồi! Nghề tay trái mà, chỉ cần thế thôi. Muốn dư dả một chút, gắng bán đc 4 bài hát. Thì cũng tương đối nhàn rồi… Còn nếu làm việc với mục đích vì xã hội, làm giáo dục thông qua âm nhạc chẳng hạn… Thì mình làm nhiều hơn chút thôi, và có thể tùy hứng, nhưng cũng không tới mức rốt ráo, kiên nhẫn, nỗ lực đều đặn mỗi ngày. Có lẽ mình vẫn chưa thực sự gắn kết với mục đích đó, chưa thực sự cảm nhận sự bức bách, sự thôi thúc, sự rốt ráo… đối với mục đích đó. Nhưng nếu mình đặt mục đích làm việc để GIỎI, thì mình sẵn sàng dành thêm nhiều thời hơn gian nữa …

Tóm lại sau khi xác định lại mục đích, mình thấy động lực của mình lại tăng lên đáng kể. Như vậy mỗi lúc giảm động lực, là một cơ hội để mình nhìn nhận lại, và lựa chọn lại mục đích. Thì ra mục đích không phải là cố định, mà mục đích cũng có thể được lựa chọn. Mình sẽ chỉ hết lười khi mình thực hiện mục đích mà mình thực sự kết nối.

-20/08/2020-