Nếu ai đó khen mình điều gì mình thường không nhận, mà hay tự nghi ngờ bản thân. Tuy nhiên, có một lần thầy dạy mình đưa ra lời khen. Vì lòng tin vào thầy nên mình nhận lời khen đó. Từ đó về sau, ai khen gì mình cũng hay nhận và cảm ơn.
Mình chợt nhận ra có một mối liên kết giữa thói quen nhận lời khen và thói quen nhận lời chê. Nếu lời khen còn khó nhận như vậy thì lời chê mình nên nhận thế nào? Mình tin là khi mở lòng với lời khen thì mình cũng dễ dàng đón nhận lời chê hơn. Tuy vẫn cần một thời gian để mình quan sát và kiểm chứng lại nhận định này.
Khi đón nhận lời khen, mình bắt đầu nhìn nhận bản thân theo góc nhìn của người khen. Ồ, hóa ra mình cũng giỏi. Đôi khi mình dừng lại để quan sát xem mình giỏi chỗ nào, mình đã giỏi như thế chưa? Để tự chứng nghiệm và tự ghi nhận sự “giỏi” đó ở bản thân.
Mặt khác, mình cũng có thêm một góc nhìn mới về người đưa ra lời khen, và môi trường mà mình nhận được lời khen đó. Ồ, ở trong môi trường này mình được đón nhận nè! Ồ, từ con người này, bản lĩnh/ trí tuệ / phẩm hạnh của mình được ghi nhận nè!
Từ bên trong, mình nhận ra bản thân mình có gì, cần sửa điều gì… Từ bên ngoài, mình nhận ra ai là người tác động tích cực lên mình? Ai là người hữu ích, mà mình có thể đồng hành? Môi trường nào giúp mình bung lụa, phát huy hết tiềm năng của bản thân?
Lời khen hay chê thì đều có tác dụng giúp mình mở rộng góc nhìn về bản thân và môi trường xung quanh.
– 28/08/2021 –
Để lại một câu trả lời