Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đọc câu hỏi này. Tuy nhiên nếu bạn là người sợ cầm tiền, ngại giữ tiền, hoặc bạn vừa được một món tiền bất ngờ như trúng số chẳng hạn, hay bạn vừa mới bán đất có dư dư chút đỉnh, v.v.. thì bạn sẽ hiểu được “cảm giác băn khoăn khi có tiền mà không biết nên tiêu vào đâu” là như thế nào.
Thực tế mà nói, khi tiền đến dồn dập, quá nhiều và quá nhanh; khi mà con người ta có thể kiếm tiền quá dễ dàng, họ sẽ rất dễ sa ngã. Ít tiền thì khó sống mà nhiều tiền quá thì cũng dễ “tiêu”. Thế nên ta cần tư duy trước về việc mình sẽ chi tiền vào đâu, để không phải gặp tình trạng “hoang mang vì dư tiền”.
Trước khi đề cập đến vấn đề “nên tiêu tiền vào đâu”, người viết xin chia sẻ qua về một nguyên tắc chung để áp dụng trong vấn đề chi tiền. Đó là nguyên tắc “chia trứng thành nhiều giỏ”, nhắc đến thì hẳn là ai cũng biết. Cần chia nhỏ số tiền của mình để chi/ đầu tư vào những khoản khác nhau nhằm phòng ngừa rủi ro. Nhỡ đâu khoản này mất thì mình vẫn còn khoản khác.
Vậy, khi có tiền thì nên tiêu vào đâu? Dưới đây là một số cách chi tiền thông minh, mà phần lớn đều là những cách mà không cần phải dư (tích trữ) quá nhiều tiền mới có thể áp dụng được.
1. Mua vàng
Có một số người thường xuyên theo dõi và am hiểu thị trường vàng. Những người này thường mua vàng để đầu tư, chờ lúc giá xuống thì mua, lúc giá cao thì bán. Việc chuẩn bị tiền để mua vàng thường là được họ lên kế hoạch trước, tích góp dần mà có. Họ là những người quá sành sõi rồi nên không cần phải bàn nhiều.
Với những người không muốn đầu tư vàng, họ vẫn nên sở hữu một ít vàng để tích trữ và dự phòng. Phòng điều gì? Phòng khủng hoảng kinh tế. Đầu tư vàng, nếu không am hiểu, hoặc không có cơ hội, thì chẳng những khó được lãi cao mà còn có thể gặp nguy cơ lỗ. Nên nó không phải là lựa chọn ưu tiên của nhiều người. Tuy nhiên, trong tình hình khủng hoảng kinh tế, hoặc lúc sa cơ lỡ vận thì những miếng vàng trữ sẵn ở nơi an toàn chính là cứu cánh cho tình hình tài chính cá nhân, giúp ta trụ vững trước biến động kinh tế trong một thời gian khá dài. Nếu không phải là chuyên gia, hoặc người trong ngành, ta rất khó dự đoán được khi nào nền kinh tế – chính trị gặp biến động, khủng hoảng. Tuy nhiên ta có thể đề phòng rủi ro từ khủng hoảng bằng cách tích trữ một ít vàng.
2. Mua ngoại tệ (Ví dụ USD):
Đứng sau vàng thì đô la Mỹ là lựa chọn an toàn thứ hai đối với việc dự phòng lạm phát. Vì là dự phòng nên ta cũng không cần phải tích trữ quá nhiều. tổng số vàng và đô dự phòng chỉ cần đủ để chi tiêu trong vòng từ 3 tháng đến 1-2 năm. (Khoảng thời gian vừa đủ để thích ứng và vượt qua khủng hoảng).
Ngoài ra, cũng như vàng mọi người cũng có thể tìm hiểu thị trường ngoại tệ để đầu tư lấy lãi. (Tương tự với chứng khoán, bất động sản) Tất nhiên, để đầu tư lấy lãi thì phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng. Tổng số vàng và đô… bạn có thể mua để đầu cơ là không giới hạn. Chỉ lưu ý là không nên dùng tất cả số tiền dư mà mình có chỉ để mua vàng với đô… Lưu ý rằng khi đầu cơ trục lợi thì không nên sa đà quá, bản chất những cách làm tiền này gần giống như mấy trò đỏ đen, không thực sự tạo ra giá trị cho nền kinh tế. Cá nhân người viết chỉ lựa chọn đầu tư để dự phòng, như đã nói ở trên.
3. Mua thực phẩm cho 3 tháng, và nhu yếu phẩm dùng cho một năm:
Giấy ăn, dầu gội, nước giặt, v.v.. Những đồ dùng hàng ngày mà trước sau mình cũng phải mua. Nếu rủng rỉnh túi thì nên mua trước cả năm, đỡ mất công mua nhiều lần, lại được giá rẻ hơn.
Ngoại trừ đồ thực phẩm, đồ có hạn sử dụng thì không thể mua kiểu đó. Gạo, đồ khô, có thể trữ sẵn cho thời gian khoảng 1-3 tháng. Một số mặt hàng, nếu muốn, bạn cũng có thể đặt trước cho cả năm, đến hẹn là người ta tự tới giao cho mình.
4. Đầu tư vào sức khỏe:
Không khỏe thì không làm được gì cả, từ lao động trí óc đến lao động chân tay đều cần đến sức khỏe. Khỏe để làm việc. Đôi khi có nhiều việc mình cho là khó khăn, vất vả mà thực ra không hẳn là những việc đó khó khăn, vất vả. Chỉ là do mình mệt quá không làm xuể mà thôi. Thế nên chừng nào mình không khỏe, chừng đó đừng nghĩ đến kiếm nhiều tiền. Ngay cả khi mình cảm thấy đang khỏe mạnh rồi thì việc đầu tư thêm vào sức khỏe không bao giờ là thừa.
Không nên chờ khi mình đổ bệnh, không gượng dậy được nữa mới đi chạy chữa. Vì đến lúc đó rồi thì có khả năng mình khuynh gia bại sản mà vẫn không lành bệnh. Hãy đầu tư vào sức khỏe ngay khi mình đang còn đủ sức, đủ tỉnh táo để kiểm soát cuộc sống của mình; khi mà mình đang còn đủ khỏe để tự dựa vào chính mình, không phiền lụy ai. Đặc biệt là khi mình đang dư dả một chút, rủng rỉnh một chút, đừng quên nhìn lại và chăm sóc bản thân.
Có nhiều cách để chăm sóc sức khỏe. Để khỏe mạnh, không nhất thiết phải chi quá nhiều tiền. Nhưng nếu cần chi nhiều thì cũng chẳng sao cả, bạn đang có tiền mà. Dưới đây là một vài gợi ý về chăm sóc sức khỏe:
– Uống trà Nhụy hoa nghệ tây như thức uống hàng ngày giống như mọi người uống nước chè vậy.
– Lựa chọn thực phẩm sạch nếu có thể.
– Tập khí công và thiền khi có thể, tạo thành thói quen hằng ngày càng tốt. Tập thể dục, thể thao, bất kỳ môn vận động nào ra mồ hôi cũng tốt.
– Phòng và trị cảm mạo khi mới chớm bằng nhiều cách như ngâm chân nước gừng muối ấm, bôi dầu, ăn kẹo bạc hà, uống trà nóng… Nếu bị sốt thì uống cam chanh.
– Khi bị tai nạn hay bị các bệnh cấp tính (trừ cảm mạo) thì đi bệnh viện. Khi trong người có những bệnh thuộc dạng mạn tính, hoặc không trầm trọng, thì tìm hiểu và chữa bằng đông y nam dược, hay các phương pháp tự nhiên khác.
– Và, khi có dư tiền lẫn thời gian, bạn có thể sắp xếp thời gian để làm một chuyến du lịch tịnh dưỡng ba ngày. Tức là đi đâu đó nghỉ ngơi (không phải bệnh viện) để nạp năng lượng. Khác với đi du lịch, thăm thú bình thường thì hay tốn năng lượng. (Trường hợp đang sẵn bệnh trong người thì tìm thầy chữa luôn).
5. Đầu tư vào trí tuệ:
“Tài sản lớn nhất của đời người là trí tuệ.” Hẳn nhiều người tìm hiểu đạo Phật thì biết câu này. Vì sao nên đầu tư cho trí tuệ? Thứ nhất, đây là một “thương vụ” chỉ có lãi mà không có lỗ. Thử so sánh trí tuệ với tiền bạc mà xem. Tiền có thể mua được nhiều thứ, nhưng khi mua xong thì tiền bay mất. Ví dụ ta dùng tiền để mua nhà, mua xong thì ta có nhà nhưng tiền đi mất. Trí tuệ thì khác, càng dùng nhiều lại càng tăng lên. Hơn nữa, tiền bạc có thể bị trộm cắp, bị mất giá, bị hao hụt; còn trí tuệ thì luôn luôn theo ta, không ai đánh cắp được.
Thứ hai, trí tuệ là một công cụ cực kỳ mạnh có khả năng giúp ta giải quyết được mọi vấn đề và hoàn thành được hầu như mọi mục đích trong cuộc sống. Không có chuyện gì là không giải quyết được, chỉ tại ta chưa đủ thông minh sáng suốt mà thôi.
Đầu tư vào trí tuệ như thế nào? Có trí tuệ thì sẽ có được tiền. Nhưng có tiền không dễ gì mua được trí tuệ. Cũng có cách để tăng trưởng trí tuệ mà không dùng tiền. Nhưng trong mục này, người viết muốn nói về: Làm thế nào để có thể dùng tiền mà đầu tư được vào trí tuệ? Có phải là mua sách không? Có phải là tham gia khóa học này khóa học nọ hay không? Có phải là cứ tiêu tiền vào những thứ mà mình đã muốn từ trước để trải nghiệm hay không?
Vai trò của trí tuệ thì hẳn mọi người đều rõ. Nhưng khi có tiền chúng ta lại không nghĩ tới việc đầu tư vào trí tuệ. Không phải vì chúng ta không hiểu vai trò của trí tuệ. Mà vì trí tuệ là một khái niệm quá trừu tượng, quá tổng quát, quá khó để mua. Chúng ta không biết cách nào để mua trí tuệ cả. Không khéo là tiền thì cất cánh ra đi mà trí tuệ thì cũng chẳng gia tăng chút nào.
Cũng có thể có những nơi người ta hướng dẫn bạn cách để tăng IQ, tăng EQ, nhưng chúng cũng chỉ là những chỉ số, phản ánh một khía cạnh nào đó của trí tuệ mà thôi. Hoặc có những sản phẩm hỗ trợ làm khỏe não (ví dụ Nhụy hoa nghệ tây), thì đó cũng chỉ là một trợ lực nhỏ để phát triển trí tuệ.
Vì đây là một vấn đề khó, nên người viết cũng chỉ đưa ra gợi ý rằng: Trí tuệ rất quan trọng, nên đầu tư cho trí tuệ, dù có tiền hay không có tiền, đặc biệt là lúc có tiền thì phải biết tận dụng đầu tư cho trí tuệ.
6. Dọn dẹp, cải tạo, tân trang nhà cửa:
Nhà cửa ảnh hưởng rất lớn tới tâm trạng và sức khỏe gia chủ – tức là ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Nếu vì nguyên do nào đó mà trước đó ta không thể làm cho nhà cửa sạch đẹp hơn thì giờ đây ta nên nghĩ tới việc dọn dẹp, cải thiện không gian sống, thay đổi phong thủy…. Việc này không chỉ gia tăng cảm giác thoải mái, mà còn kích tài lộc và làm hanh thông nhiều việc khác trong cuộc sống.
7. Đầu tư vào hình ảnh bản thân:
Hình ảnh bản thân chính là ấn tượng bề ngoài mà người khác nhìn vào để đánh giá mình. Nó khá là quan trọng, thâm chí đặc biệt quan trọng khi ta làm những công việc liên quan tới sale, hay khi phải đứng trước công chúng. Đầu tư vào hình ảnh bản thân không phải là làm màu, mà để cho người khác cảm nhận rõ nét nhất về bản thân ta như chính ta. Do vậy hình ảnh bản thân cần tương xứng và tôn lên giá trị bản thân. Có nhiều yếu tố kết hợp, làm nên hình ảnh bản thân. Gồm có áo quần, dày dép, phụ kiện, đầu tóc, xe… và cả ảnh đẹp để post facebook (nhiều người thuê hẳn thợ ảnh để chụp business style).
8. Đầu tư cho các mối quan hệ quan trọng:
Sông có khúc người có lúc. Không ai biết được ngày mai thế nào. Cho nên hôm nay, khi đang dư dả, ta cũng nên nhớ đến những mối quan hệ quan trọng đối với ta. Một bữa tiệc chiêu đãi bạn bè là một ý hay. Dành thời gian bên gia đình, người thân cùng nhau thực hiện những trải nghiệm mới để gắn kết gia đình cũng là ý tưởng không tồi. Ngoài ra có thể ghé thăm những người đã giúp đỡ ta, mang theo một chút quà mà ta đã chuẩn bị. Không cần phải là quà đắt tiền, quan trọng là hữu ích và hợp ý người nhận. Có nhiều cách để chi tiền cho các mối quan hệ, tùy vào tình huống thực tế để vận dụng.
9. Làm phúc:
Dù có nhiều tiền hay ít tiền, mọi người đều nên làm phúc khi có điều kiện. Nếu có điều gì đó mà bạn muốn làm cho gia đình, xã hội, hay cho người khác,… nhưng chưa kịp làm, thì lúc dư dả chính là cơ hội để bạn thực hiện điều mà bấy lâu mình mong muốn. Ta sẽ cảm thấy mình mạnh mẽ, giàu có, tử tế và hạnh phúc khi đã làm điều có ích. Đừng tiếc số tiền nhỏ, cho đi rồi cũng sẽ được nhận lại thôi. Làm phúc có nhiều lợi ích, nhưng cái khó của việc làm phúc là phải thực tâm, không tính toán lợi ích về mình, mà phải tính toán lợi ích cho đối tượng của việc làm phúc, sao cho việc làm của mình thật sự hữu ích.
10. Mua bất động sản (nhà đất…):
Đáng lẽ đây phải là lựa chọn đầu tiên chứ nhỉ? Không hẳn vậy. Khi mua bất động sản, ta phải tiêu một số tiền khá lớn. Tiền đã tiêu vào bất động sản là tiền chết, không lấy lại được. Vậy muốn mua bất động sản thì trong đầu đã phải có kế hoạch cụ thể: Ta dùng bất động sản đó để làm gì? Bất động sản đó có giúp sinh lời không? Kế hoạch cụ thể như thế nào? Nếu kế hoạch thất bại thì khi bán lại có được giá không?
11. Gửi tiết kiệm:
Nếu không muốn nặng đầu về tiền bạc thì ta có thể gửi tiết kiệm.
Ta có thể gửi tạm thời theo gói tiết kiệm linh hoạt. Gửi 1 lần, rút được nhiều lần vào bất kỳ lúc nào. Cách này thích hợp với người có tiền dư bất ngờ, chưa kịp nghĩ hay lên kế hoạch gì cho số tiền đó. Hoặc ta chi nhỏ khoản tiền để gửi theo các kỳ hạn khác nhau: 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng…
12. Học một thứ gì đó:
Học thêm một thứ gì đó, có thể là một bộ môn thể thao mà ta hứng thú, hay một kỹ năng hữu ích cho cuộc sống… Điều đó không chỉ khiến cuộc sống của ta thú vị hơn mà còn tăng khả năng để ta phát triển bản thân; cải thiện sức khỏe, phát triển trí tuệ, mở rộng, lấn sân sang những lĩnh vực/ công việc mới… Việc học sẽ mang đến những lợi ích khác nhau, tùy theo môn học bạn chọn là gì.
13. Làm vốn kinh doanh:
Phi thương bất phú, muốn tiền quay trở lại với ta thì phải nghiêm túc đầu tư thôi. Cần khá nhiều thời gian để tìm tòi, hình thành ý tưởng, chuẩn bị kỹ lưỡng và tiến từng bước một trong công việc kinh doanh.
Có một kiểu kinh doanh khá là dễ làm là mua đi bán lại. Điều kiện cần là phải có vốn, mình đã đáp ứng được. Việc còn lại làm tìm một sản phẩm thật chất và bán hàng thôi!
Dù chọn kinh doanh theo hình thức và lĩnh vực nào thì khâu chuẩn bị đều vô cùng quan trọng. Vì thế phải cân nhắc kỹ lưỡng và tham khảo nhiều trước khi quyết định.
14. Đầu tư cho công việc kinh doanh của người khác:
Nếu bản thân chưa đủ khả năng để tự kinh doanh, ta có thể gửi gắm đồng tiền của mình vào việc kinh doanh của người khác. Với điều kiện là ta có mối quan hệ quen biết và am hiểu nhất định về công việc của những người đó; ta biết họ làm ăn thật, tử tế, hiệu quả và sòng phẳng. Miễn sao ta thấy rằng đầu tư cho họ vừa chắc chắn, vừa xứng đáng hơn là gửi ngân hàng, thì có thể quyết định đầu tư, bằng cách góp vốn.
Ngoài ra, bạn còn có thể tham khảo thêm các kênh đầu tư sinh lời khác. Dù là kênh nào thì cũng cần có sự nghiên cứu, am hiểu nhất định để ra quyết định đúng đắn.
15. Bất kỳ điều gì bạn yêu, thích hoặc muốn:
Chúng ta thường có những sở thích, mong muốn, đam mê, ý định… mà ta thường nghĩ rằng khi có đủ tiền, ta sẽ thực hiện chúng. Nhưng tới lúc có tiền thì đôi khi ta lại quên mất, hoặc ta cho rằng số tiền đó vẫn không đủ. Vậy nên, bình thường, ta hãy ghi ra trước những dự định, kế hoạch để khi có tiền ta sẽ chi vào đó. Không đợi tới khi dư tiền mới suy nghĩ, nên tiêu tiền cho việc gì? Khi có tiền dư, hãy tích lại làm quỹ cho ước mơ, mong muốn, dự định của bạn, hoặc chi tiêu luôn cho những mục nhỏ trong ước mơ, mong muốn, dự định đó.
Trên đây là tổng hợp 15 cách chi tiền thông minh dành cho những người chưa biết làm gì vơi số tiền mình đang có. Chúc các bạn tìm thấy hướng chi tiêu hợp lý cho bản thân!
– 6/9/2018 –
Tìm hiểu app Kết nối với tiền tại đây!
Để lại một câu trả lời