Bổ ích và vô bổ, thực tế và mơ mộng…

Đối với nhiều người, trong đó có ba mẹ mình, những hoạt động nào có thể mang lại tiền bạc hay những giá trị tương tự, thì được coi là bổ ích và thực tế; những hoạt động nào không trực tiếp mang lại tiền bạc “ngay lập tức” thì được coi mà vô bổ, ảo tưởng.
Tạm chấp nhận quan điểm trên ở trong bài viết này, thì nói thật là hồi học cấp ba và đại học, mình cảm thấy việc học cực kỳ “vô bổ”. Và mình đã có một khoảng thời gian vật lộn với các giá trị, chẳng hạn như mình đặt câu hỏi “Đi học để làm gì?”, “Mấy môn này học để làm gì mà mình phải thức đêm thức hôm chỉ vì sợ bị điểm kém như này?” “Thời gian mình bỏ ra để học cho “tới”, nếu đi đây đó chơi thì có phải là tốt hơn không? Thay vì mình học chỉ để thành tựu kỹ năng giải bài tập vèo vèo như ai kia, nếu mình học nấu ăn thì có phải là thực tế hơn không? (Thực ra mãi vật lộn như thế mình chả học được kỹ năng giải bài tập vèo vèo, cũng chả thành tựu được kỹ năng nấu ăn vèo vèo gì cả. Cái mình thành tựu được do nghĩ nhiều có lẽ là … khả năng viết luận.)
Đỉnh điểm là hồi học đại học, mình nhiều lần suýt bỏ học vì cảm thấy vô bổ (đối với mình). Thời gian, tiền bạc và cả nhiều thứ quan trọng khác… bỏ đi quá nhiều, chỉ để về sau đổi lấy một tấm bằng và một vài khái niệm còn đọng lại ở mức độ “nhập môn”. Trong khi kiến thức về quản trị kinh doanh, đối với mình, tốt nhất là tự học thông qua hai nguồn: thứ nhất là thực tiễn làm việc (từ những việc ta làm, những người mà ta gặp), thứ hai là từ internet và sách. Sau khi học một năm ở đại học, biết được bố cục của chương trình đại học, cách học và các nguồn để học… Thì có thể nghỉ để vừa tự học vừa làm việc khác được rồi. Không cần phải mất đến 4-5 năm… (Tất nhiên quan điểm này không đúng hoàn toàn, còn tùy ngành học, và trường hợp cụ thể) Với việc tự học, mình có thể học bất cứ điều gì mình cần, theo cách của mình, đụng đâu học đó… Không học thì thôi, đã học thì phải học cho sâu. Thay vì cứ học một cách nhợt nhạt, qua loa để chạy deadline, vừa mất thời gian, vừa tốn tiền. (Thực ra cũng tại mình chậm, không học vừa nhanh vừa sâu được).
Thực tế là mình học quản trị kinh doanh ở đại học, và ở tuổi 25, đã học xong và đang làm công ăn lương, vẫn chưa biết quản trị kinh doanh là gì. (Dù mình từng góp sức khởi nghiệp – đồng sáng lập công ty, nhưng người lãnh đạo và quản trị là những người khác kinh nghiệm và bản lĩnh hơn, chứ không phải mình). Một người bạn bằng tuổi mình, học ngoại ngữ, sau khi trải nghiệm ở nhiều phần việc khác nhau trong lĩnh vực homestay – cà phê như: pha chế, dọn dẹp, trang trí, lễ tân, chạy bàn, kế toán, quản lý,…. Thì bây giờ đang nhận lại một homestay để bước đầu tập tễnh làm chủ. Bạn ấy không học quản trị kinh doanh, nhưng với đứa không biết gì như mình thì phải gọi bạn ấy là sư phụ.
Tóm lại bây giờ, nếu không đi làm ngân hàng thì mình vẫn thấy thời gian tiền bạc công sức mình bỏ ra cho việc học ở trường là hầu như không có giá trị. Nhờ sử dụng tấm bằng để xin việc nên mình thấy việc học hồi xưa cũng có một tí giá trị… (Không phải ai cũng “may mắn” có việc ngay như mình, nếu chỉ có tấm bằng thôi thì còn lâu chán).
Nếu bỏ học để tự học, mình sẽ không có bằng cấp, nhưng đã có thể có “thực lực” hơn bây giờ? Dù sao thì mình cũng đã chọn theo đuổi bằng cấp, sau nhiều lần “đàm phán đẫm nước mắt” với ba mẹ mà không thành.
Mình kể ra câu chuyện này để dẫn chứng rằng: Để một chuỗi những nỗ lực nào đó trở nên “có ích”, cần phải trải qua “rất rất nhiều thời gian”. Giả sử bạn mới tập đàn được một tháng, ba mẹ bạn kêu: “tập mấy cái này vô bổ”, không cho bạn tập nữa, bắt bạn học bài. Họ không nhìn thấy một điều là: nếu bạn tiếp tục tập đàn, bằng tất cả đam mê, thì bạn cũng có thể tựu thành cái gì đó. Thậm chí bạn có thể thành nhạc công, thầy dạy nhạc, nhạc sĩ nổi tiếng, vân vân và mây mây…. Thế nhưng, thực tế thì cha mẹ đã “chặn đứng” những ước mơ của chúng ta, theo cách đó. (Tất nhiên chính chúng ta cũng đã tiếp tay cho cha mẹ để làm việc đó, vì chúng ta quá nghe lời họ.)
Ngẫm lại mà xem, với niềm tin rằng việc học ở trường là có ích, cha mẹ cho con cái đi học ngót nghét hai chục năm từ lúc mẫu giáo cho đến lúc có được tấm bằng. Họ bắt chúng ta phải chứng mình cho niềm tin của họ: đi học là có ích, bằng cách ngốn đi một phần quãng thời gian tuổi thơ và tuổi niên thiếu của chúng ta. Họ cấm chúng ta chơi, họ cấm chúng ta học những thứ mà chúng ta thích, họ lèo lái những ước mơ của chúng ta về một cái đích mà họ đã vạch sẵn và họ cấm chúng ta yêu… (cho đến khi chúng ta đã quên đi những rung cảm đẹp đẽ thời niên thiếu thì họ thúc ép chúng ta tìm ai đó để cưới). Còn với chúng ta, họ KHÔNG cho chúng ta THỜI GIAN để chứng minh những niềm tin của mình dù chỉ một ngày, một lúc, một khoảnh khắc…
May là vẫn còn đâu đó những ước mơ, những ấp ủ, chúng không chết đi, chúng chỉ đang ngủ yên đâu đó trong ta mà thôi.
19/03/2019