Hồi sinh viên, tôi khá trầm, nhưng khi có cơ hội dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, tôi biểu hiện ra là một “tôi” khác hắn so với khi tôi ngồi học ở trên lớp đại học. “Cứ như là hai con người khác nhau vậy”. Một bạn sinh viên cùng khoá, sau khi chứng kiến, đã nhận ra điều đó và nói với tôi. Thời đó, tôi cũng tự nhận thấy rằng: tôi khi đi học khác với tôi ở những môi trường khác, nên không ngạc nhiên lắm khi nghe bạn nói thế.
Về sau, khi có nhiều trải nghiệm hơn với nghề, tôi bắt đầu để ý đến các trạng thái tâm thức của mình và nhận ra sự chuyển đổi rõ rệt khi chuyển từ trạng thái bình thường sang tâm thế của một giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Tôi dễ dàng đạt được những trạng thái khó đạt được trong các hoạt động, công việc khác. Tin rằng: sự lặp đi lặp lại các trạng thái này, dần dần sẽ tích hợp trong tôi những tố chất, tính cách ưu việt hơn. Có thể kể đến một vài trạng thái như sau:
Thứ nhất là trạng thái tự tin. Trong các công việc khác, tôi thường cảm thấy mình là người đi sau, là bậc đàn em, không đủ giỏi, không chuyên nghiệp hoặc không xuất sắc… Có lẽ tôi đã tự ti mà không nhận ra mình tự ti. Cảm giác tự ti thường biến mất khi tôi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Đơn giản bởi vì tôi là người Việt, biết tiếng Việt. Tôi cảm thấy đây là một công việc dễ dàng, dường như ai cũng có thể làm được. Tất nhiên, đây chỉ là cảm giác chủ quan của tôi, người khác có thể không nghĩ như vậy, và công việc này có thể cần nhiều yếu tố hơn những gì mà tôi vừa kể. Nhưng về cơ bản, tôi biết mình cần phải làm gì, học viên tốt hay yếu chỗ nào…
Thứ hai là trạng thái kết nối và rộng mở. Mỗi buổi học, tôi tương tác 1 – 1 với học viên trong thời gian tối thiểu 1 tiếng. Đều đặn như vậy một tuần 2 – 3 buổi, chúng tôi có không gian và thời gian để bộc lộ bản thân và cảm nhận về nhau. Có những học viên dễ dàng cởi mở, gần gũi ngay từ những buổi đầu. Lại có học viên hé lộ dần dần từng chút về bản thân sau một khoảng thời gian dài. Các học viên đến từ những Quốc gia khác nhau, cho tôi những cảm nhận riêng về cá tính của từng học viên, và cảm nhận chung về đặc trưng văn hoá, con người của Quốc gia đó.
Thứ ba là cảm giác tự do và tự chủ. Bắt đầu từ hai khía cạnh chuyên môn và tài chính, dần mở rộng ra các khía cạnh khác trong đời sống. Là một giáo viên tự do, không thông qua trung tâm môi giới, hay trực thuộc một trung tâm dạy tiếng Việt nào, tôi tự chủ trong việc tìm kiếm học viên, sắp xếp thời gian, địa điểm, lựa chọn tài liệu và xây dựng chương trình học. Thu nhập từ công việc này lại do học viên trực tiếp chi trả, khiến tôi không còn cảm giác phụ thuộc, dựa dẫm thường có khi làm công ăn lương. (Tôi không có ý nói công việc làm công ăn lương mang tính phụ thuộc, dựa dẫm. Chỉ là trước đó, bản thân tôi vẫn chưa rũ bỏ được cảm giác phụ thuộc cho đến khi tôi dần ổn định với công việc này.)
Chỉ cần có máy tính và mạng internet, tôi có thể làm việc từ bất cứ đâu. Một mặt, tôi có cảm giác mình có thể tự do lựa chọn nơi sống mà không cần quá lo lắng về tài chính. Mặt khác, tôi nhận ra rằng nơi tôi đang sống và làm việc vừa là duyên nghiệp vừa là sự lựa chọn cá nhân. Bởi sau khi loại trừ lí do tài chính thì vẫn còn nhiều lý do khác để tôi tiếp tục ở lại quê hương.
Có lẽ tôi còn nhiều mối ràng buộc cần phải gỡ, công việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài là một khâu để tôi gỡ dần một vài mối rối bên ngoài mớ dây dợ ấy!?
– 19/09/2023 –
Để lại một câu trả lời