Hiểu sơ về bát chánh đạo

– Chánh mạng: Mạng sống chân chánh.

Tự mình nuôi thân mình, không sống nhờ, sống bám, không sống dựa trên sự làm hại, tranh đoạt đối với các sinh mạng khác. Tự mình tạo ra giá trị cho cuộc sống của mình. Tự lực, tự lập, tự chủ… Tìm ra và vận hành các giá trị của bản thân mình đối với gia đình, người thân, bạn bè, xã hội và cuộc đời.

Việc tự lực, tự lập không có nghĩa là không đón nhận sự giúp đỡ của người khác. Có điều ta đón nhận theo cách không lợi dụng, không lệ thuộc, không dựa dẫm mà chỉ đơn giản là biết ơn, biết đón nhận và tiếp tục cho đi, trao đi những giá trị mà ta có thể, như cách mà cuộc đời đã làm với ta. Ta phấn đấu, nỗ lực hằng ngày để bản thân mình trở nên có giá trị hơn nữa đối với những người xung quanh.

– Chánh nghiệp: Sự nghiệp chân chính.

Sự nghiệp là cái sự làm nên nghiệp. Những gì ta bắt đầu, tiến hành, chúng sẽ quay lại với ta, để ta tiếp tục thực hành nhiều hơn, và để tiến tới một kết cục… Đó là nghiệp. Sự nghiệp không hẳn là “công việc” mà ta chọn, nhưng chắc chắn là những việc mà ta làm mỗi ngày, mỗi giờ… Sự nghiệp chân chính đơn giản là những hoạt động chân chính, lựa chọn chân chính… Phục vụ cho những mục đích, động cơ chân chính…

Sự nghiệp chân chính gắn với vai trò chân chính và trách nhiệm chân chính. Như vậy để có sự nghiệp chân chính, ta cần quán xét lại các vai trò, trách nhiệm, các hoạt động, lưạ chọn, mục đích, động cơ… của ta trong hiện tại.

– Chánh ngữ: Lời nói chân chính.

Chánh ngữ không hẳn là ái ngữ hay sát ngữ. Chánh ngữ là lời nói chân thật, đúng đắn, và chính đáng (đáng nói). Cần phân biệt chánh ngữ với vọng ngữ.

– Chánh kiến: Sự thấy biết chân chính.

Cái thấy biết không bị vẩn đục. Cần phân biệt chánh kiến (cái thấy biết của mình) và tà kiến (cái thấy biết không phải của mình).

– Chánh tư duy:

Tư duy đúng đắn. Tư duy về điều đúng đắn, theo cách đúng đắn, với những “nguyên liệu” đúng đắn (chánh kiến)?

– Chánh niệm:

Niệm chân chính. Mục đích chân chính? Biết mình đang làm gì, để làm gì?

– Chánh định:

Định là sự tập trung, chú tâm, hợp nhất vào một đối tượng, hoạt động nào đó. Chánh định là sự tập trung, chú tâm, nhập tâm vào điều đúng đắn, chính đáng?

– Chánh tinh tấn:

Tinh tấn theo mình hiểu là giỏi lên, thành tựu được nhiều cấp độ cao hơn. Chánh tinh tấn là sự giỏi lên, thành tựu nhiều cấp độ cao hơn của thứ đáng giỏi, nên giỏi, theo cách đúng đắn và chính đáng nhất. Thứ nên giỏi ở đây phải chăng là chánh định? Vậy chánh tinh tấn là sự tinh tấn của chánh định?

-25/01/2020-