Bàn về tiêu cực trong thi cử

Đề bài: Anh (chị) có suy nghĩ gì về hiện tượng: thí sinh bị xử lý kỉ luật do vi phạm quy chế thi cử. Trong đó có một số thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi?

Thi cử là một hình thức để kiểm tra, đánh giá khả năng và kĩ năng của học viên. Kết quả thi giúp học viên biết được mình đang ở đâu và cần cố gắng mức nào để đạt được cái đích tiếp theo mà mình nhắm đến. Tuy nhiên, muốn đánh giá đúng trình độ của học viên thì kì thi phải được tổ chức chặt chẽ và diễn ra một cách nghiêm túc, công bằng. Việc này tùy thuộc vào nỗ lực ở cả hai phía: giáo viên và học viên. Nhưng đáng buồn thay, thực tế cho thấy điều ngược lại: Vẫn còn những thí sinh bị xử lý kỉ luật do vi phạm quy chế thi cử. Thậm chí trong đó có một số thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi.

Từ thực trạng này, có thể nhận thấy ý thức học tập và thi cử của nhiều học sinh còn kém. Hành động của các thí sinh trên là hành động đã được chuẩn bị kĩ càng từ trước. Để có tài liệu mang vào phòng thi, cần phải có công đoạn thu thập, sao chép. Tài liệu cũng phải được cắt xếp sao cho vừa nhỏ gọn vừa chứa được nhiều nội dung mà vẫn dễ nhìn. Tiếp đó, thí sinh còn phải tính cách thu dấu thật khéo làm sao để đưa được tài liệu vào phòng thi một cách an toàn. Đây là một hành động có chủ định cho thấy các thí sinh muốn dựa vào gian lận để đạt kết quả tốt.

Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Thí sinh nhanh tay thì có giám thị nhanh mắt. Việc đã rồi, nhưng chuỗi suy ngẫm về nó vẫn tiếp tục nối dài. Không biết còn bao nhiêu thí sinh đã và đang thực hiện thành công trót lọt hành động gian lận của mình? Tại sao những hành động bất cập, làm mất đi tính công bằng như thế vẫn đang tiếp diễn? Hơn nữa, sự việc kiểu này không phải chỉ xuất hiện ở một, hai cá biệt mà là “một số”. Chúng ta chẳng thể nào biết được con số ấy sẽ dừng lại ở hàng chục, hàng trăm hay hơn thế?

Có nhiều kì thi quan trọng, được tổ chức rất quy mô và chặt chẽ ví như các kì thi tốt nghiệp và tuyển sinh chẳng hạn. Việc gian lận trong những kì thi như vậy không phải là chuyện giản đơn. Nếu bị phát hiện, thí sinh không chỉ mất mặt mà còn bị đình chỉ thi, cơ hội trước mắt sẽ khép lại hoàn toàn. Biết thế mà nhiều em vẫn “cả gan” gian lận. Liệu có ai đứng đằng sau tiếp tay và ủng hộ các em? (Vì đâu mà người ta biến một cuộc kiểm tra về học lực trở thành một kênh bạc hoặc thậm chí là những thương vụ mua bán?) Hay là bản thân các em đã quá quen với việc gian lận và coi nó như là chuyện thường tình? Vì sao đối với không ít học sinh, càng nhiều năm ngồi trên ghế nhà trường, các em càng dày dạn kinh nghiệm gian lận trong thi cử? Trường học dạy các em kiến thức hay là dạy cách gian lận mà càng học lên cao, những bất cập kiểu này càng đầy rẫy và tỉ lệ thuận với mức độ trầm trọng?

Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn này có lẽ xuất phát từ căn bệnh thành tích, một căn bệnh mãn tính rất nhiều người mắc phải. Gíao viên, phụ huynh, học sinh… hầu như ai cũng mắc bệnh nhưng chẳng có ai tự nhận là mình bị bệnh. Mọi người đều nghĩ rằng ai đó khác, chứ không phải tôi hay con tôi. Mặc dù các triệu chứng bệnh đã biểu lộ rất rõ qua cách hành xử của họ. Phụ huynh muốn con mình giỏi hơn con người ta. Khi con mình học giỏi, họ tự hào kể lể, khi con mình không giỏi, họ cúi mặt mà đi. Không biết họ khuyến khích con em mình học vì tương lai của chúng hay là vì bộ mặt xã hội của chính họ? Học sinh cũng muốn bản thân mình không thua kém chúng bạn để bố mẹ hài lòng và hàng xóm đừng cười. Gíao viên thì ra sức ngợi ca những học sinh giỏi và – bằng nhiều cách khác nhau – khiến các học sinh được cho là yếu kém cảm thấy mình bị xem thường. Chính vì thế mà có nỗi lo lắng thấp thỏm khi kì thi gần đến. Căn bệnh thành tích là nguyên nhân chính yếu gây ra áp lực thi cử. Áp lực đó kết hợp với yếu tố thời gian gấp rút tất sẽ dẫn đến ý định gian lận… Một nguyên nhân nữa, cũng rất đáng lưu tâm, là bản thân học sinh không tự tin vào khả năng học tập của mình.Về nguyên nhân này, còn quá nhiều điều cần bàn đến nên tôi xin phép không đề cập ở đây.

Gian lận trong thi cử không chỉ là biểu hiện của sự xuống cấp về ý thức, đánh mất tính công bằng của kì thi mà còn kéo theo nhiều hậu quả về sau. Một khi học sinh đã quen với việc gian lận trong thi cử, các em có thể trở nên lười biếng, ỷ lại và chậm tiến. Sẽ rất khó để các em tự rèn luyện và trở thành những người học thực thụ. Còn đối với những học sinh biết kết hợp giữa chăm chỉ học tập và gian lận trong thi cử, khi ra đời, ít nhiều sẽ trở thành những kẻ ma lanh, mánh khóe và cơ hội, có tài mà không có đức. Thật vậy, nhiều giáo viên tinh tường chỉ cần quan sát thái độ và cách thức học tập của học sinh là có thể đoán biết về tương lai xa của các em một cách chuẩn xác. Nhưng nói như thế, không phải là các em không thể cải biến tương lai của chính mình. Hãy thay đổi từ hôm nay, bởi hôm nay quyết định ngày mai.

Thực trạng trên cần được chấm dứt ngay lập tức! Mọi người cần hiểu rõ động cơ và bản chất của hành động gian lận trong thi cử. Nên nhớ rằng: “gian lận không phải là hành động bình thường của học sinh mà là một vấn nạn cực kì xấu”. Do đó, tôi xin nhắc lại, cần chấm dứt thực trạng này, “chấm dứt” chứ không phải “ngăn chặn”. “Ngăn chặn” tức là phải tác động lên một điều gì đó, một ai đó khác. Còn “chấm dứt” nghĩa là tự bản thân mình ý thức được điều sai và từ bỏ. Không chỉ mỗi học sinh chấm dứt mà cả giáo viên và phụ huynh cũng phải chấm dứt. Nhà trường và gia đình nên loại bỏ tác động của mình lên tâm lý học sinh. Đừng gieo rắc ý tưởng rằng: “thành tích là quan trọng” lên đầu của các em. Có như vậy thì áp lực trong thi cử mới không còn, và gian lận sẽ biến mất theo cách của nó. Nhưng làm được điều này không phải chuyện dễ. Nhà trường dường như đi sai cách khi một mặt thắt chặt kỉ luật, tổ chức coi thi nghiêm ngặt, mặt khác lại tạo áp lực thành tích cho học sinh. Cho nên một số em mới “liều ăn nhiều”. Tôi từng nghe câu “Chúng ta tạo ra cám dỗ về tội ác, và sau đó tội phạm bị trừng phạt mà không phải là con người tạo ra cám dỗ. Cả hai nên bị trừng phạt.” Liên tưởng như thế để thấy được trách nhiệm của cả gia đình và nhà trường trong vấn đề này.

Tiêu cực trong thi cử chỉ là một trong một cơ số những bất cập về giáo dục. Sẽ là một hành trình dài để cải tiến nền giáo dục hiện tại. Nhưng việc mỗi cá nhân tự ý thức, tự thay đổi mình là điều có thể làm được ngay lúc này. Đây là bước đầu tiên và cơ bản nhất.

– 2012 –