Ẩn và Hiện

Để sống một cuộc đời “hiện” mà lại không bận tâm tới các quy chuẩn, quy tắc thông thường, chỉ sống theo những cái thấy biết của riêng mình, mà lại vẫn được ca tụng, thờ phụng… thì khó hơn rất nhiều so với việc sống một cuộc đời sai quy tắc mà chẳng ai hay biết! Trong lịch sử và trong cổ tích đã có nhiều nhân vật làm được như thế!

Nghe về các câu chuyện của tiền nhân. Mà ngẫm về cuộc đời, công việc của mình. Tôi thấy rằng: âm nhạc của tôi không hàm chứa ẩn ý, mà chỉ toàn ý nghĩa tường minh, bề nổi (hiện ý). Các thầy bảo tôi: con người thế nào thì nhạc thế ấy thôi, nông lắm, không sâu. Mặc dù, vẫn được nhiều lời khen về ca từ ý nghĩa và sâu sắc, nhưng với người mà tôi lấy ý kiến của họ làm quan trọng, thì có lẽ âm nhạc của tôi vẫn là một thứ nhạc “nông nổi” (vì nông nên mới nổi).

Sau khi học thêm về tính ẩn và tính hiện, tôi đã lấy làm hoan hỷ nhận ra con đường âm nhạc của tôi. Tuy không thích nổi tiếng, nhưng tôi đang đi con đường “hiện”, ít nhất là trong khía cạnh âm nhạc. Từ nhỏ, tôi đã thấy chối tai, khó chịu khi nghe những bài hát mà tôi “chả hiểu gì”. Tôi biết là nếu dành thời gian cảm nhận, nghiền ngẫm thì cũng có thể hiểu hơn một chút. Nhưng tôi tự hỏi tại sao nhạc sĩ lại không làm cho nó dễ hiểu, mà có khi còn cố tình làm cho nó khó hiểu hơn? Sau này, khi đã nhận ra giá trị của các bài hát có chiều sâu, nhiều ẩn ý, nhiều tầng nghĩa… Tôi vẫn thích làm nhạc dễ hiểu.

Âm nhạc của tôi hướng tới đại trà. Tôi muốn số đông có thể cảm nhận và đón nhận những nội dung, thông điệp từ bài hát. Tôi tưởng tượng mình như người thợ lặn xuống biển tâm thức và đem một phần kho báu của tâm lên trên bề mặt.