Mình nhớ là hồi lớp 8, mình đã sáng tác hai bài hát đầu tay. Lúc đó chưa biết cách làm thế nào để cho ra thành sản phẩm, nên mình cất đó, chỉ sử dụng cho một số dịp sinh hoạt, hát chay cho mọi người nghe. Mình nhớ, cứ mỗi độ hè về, mình luôn có cảm hứng để sáng tạo nên điều gì đó. Đầu mùa hè năm lớp 9, mình có bài rap đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này, kiểu như vậy. Mình chỉ nghĩ là nếu có điều kiện thì một ngày nào đó sẽ cho ra sản phẩm, chứ chưa có ý định sẽ trở thành một tác giả.
Đầu mùa hè của năm nhất đại học, là thời điểm mình tràn đầy cảm hứng cách mạng giáo dục – thay đổi xã hội. Đồng thời, như bao nhiêu người trẻ khác, mình cũng bị phản ứng dữ dội từ gia đình. Lúc đó, trong một khoảnh khắc đang đi dạo, trong đầu mình vang lên những dòng đầu tiên của bài “tuổi trẻ khai sáng”. Thế là mình nảy ra ý tưởng làm bài hát đó để tự khẳng định và khích lệ bản thân, đồng thời cũng khích lệ và truyền cảm hứng cho người khác. Giai điệu bài hát là niềm cảm hứng, nhưng cũng chất chứa niềm tâm sự. Nên như nhiều người nhận xét là nó hơi ngang, chưa được đã tai, nhưng cái hay là nó cũng nhẹ nhàng, bay bay. Bởi nó chỉ là sự tưởng tượng, hình dung về một tương lai thành công của giáo dục khai sáng, nhưng vẫn còn mang những cảm xúc man mác của thực tại phũ phàng.
Mặc dù chỉ là một sự khích lệ, nhưng thời điểm đó, mình chưa đủ tầm nhìn để hoàn thiện bài hát. Mình nghĩ đó là một bài hát quan trọng, cần có sự trau chuốt, chín chắn về ca từ. Bẵng đi một thời gian, ước mơ và hy vọng của mình dành cho giáo dục khai sáng bị dừng lại. Do mình lấy chồng, sinh con đầu lòng, rồi lại trở lại thích nghi lần nữa với trường đại học. Vẫn còn rất nhiều giằng xé. Những người anh chị em khác thì đi ẩn tu hết, có người đi du học, có người đi chu du dạy học. Chỉ có hai vị tiếp tục nghiên cứu, triển khai, về sau ẩn tu một thời gian rồi quay lại Hà Nội.
Vào năm thứ 3 đại học, có lẽ đang dư sức sáng tạo, mình tìm hiểu một chút về thiết kế thời trang, song song với đi dạy thêm… Rồi mình gặp a Lục Văn, người bổ sung cho mình tầm nhìn về những bằng chứng, giá trị lịch sử của dân tộc Việt Nam, tầm quan trọng của Việt Nam với thời đại. Mình chỉ coi là bổ sung góc nhìn lịch sử và thời đại thôi, bởi vì tầm nhìn sẵn có của giáo dục khai sáng cũng đã bao trùm nó rồi. Nhưng a đã góp phần làm sâu sắc hơn những niềm tin của mình về vai trò, sứ mệnh của dân tộc, và của những con người Khai Sáng (mình tạm gọi như vậy). Anh gợi ý cho mình cùng làm dự án tiếng Việt, mình đồng ý, và hai anh em gặp bác Long. Bác Long trao cho mình chìa khoá, nền tảng để dạy học tiếng Việt và đi sâu hơn về tiếng Việt.
Sau những thử nghiệm kha khá thành công về mặt chuyên môn thì mình quyết định dừng lại vì không thấy khả năng tiến triển xa hơn của dự án tại thời điểm đó. Nhưng những gì mình có được thì về sau mình vẫn có thể lôi ra dùng lại để phát triển tiếp. Và mình vẫn nhớ ai đó thông qua bác, nhắn nhủ thông điệp này đến mình: Trong tương lai, cả thế giới sẽ đến Việt Nam để học tiếng Việt, dùng tiếng Việt để thâm nhập đạo Phật. Điều này cũng tương đồng với một lời nhắn khác từ phía vị thầy bên giáo dục khai sáng của mình: Các dân tộc lớn đều có những thành tựu hay di sản lớn để lại cho hậu thế, riêng với dân tộc Việt Nam hơn 4000 năm nhưng không có một kiệt tác hay thành tựu nào to tát cả. Vì di sản đó của Việt Nam chính là tiếng Việt (mình hiểu ý thầy là tiếng việt hiện đại mà người Việt đang dùng).
Năm thứ 4 đại học, sau khi tái ngộ với hai vị tiên phong của Khai Sáng. Mình thấy đó là thời điểm cần thiết để tạo nên một tổ chức quy tụ những con người tâm huyết lại. Với cá nhân mình – nó là cơ hội duy nhất, vì mình đang học năm cuối rồi, nhỡ mình ra trường và quay về Quảng Bình thì mình cũng đã kịp khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục. Tâm nguyện của mình khi ra Hà Nội học đại học là có thể tìm ra con đường cách mạng giáo dục – đổi thay xã hội. Chỉ cần tổ chức được thành lập, được sống thì mình hoàn toàn tin tưởng vào tương lai bền vững, và có thể coi là hoàn thành ý nguyện ban đầu. Còn đối với đất nước, thời điểm đó cũng là rất cần kíp để bắt đầu rồi. Kiểu như là phải nhanh lên kẻo không kịp nữa! Bạn thấy đó, những năm gần đây (sau 3-4 năm), thiên tai dịch bệnh đang bắt đầu hoành hành như thế nào. Công ty cũ của mình vẫn đang phát triển, các thầy vẫn đang miệt mài, sự tái tạo và khai sáng đang chạy đua cùng sự sụp đổ. (Mình do nghiệp cá nhân mà sau khi thành lập công ty xong lại quay về, tiếp tục lăn trôi, học những bài học cá nhân)
Lời hai của bài hát “tuổi trẻ khai sáng” cũng được hoàn thành trong những ngày đầu thành lập công ty, khi mình đã có một tầm nhìn, một viễn cảnh khá toàn diện. Tất nhiên lúc đó mình cũng chưa thực sự hình dung được là công cuộc này sẽ thâm nhập vào con đường đạo và tâm linh sâu xa như bây giờ. Đúng như lời của người nào đó đã nói. Công ty cũng lấy đạo Phật làm cốt lõi để phát triển giáo dục.
Lúc đó mình hát cho các anh chị em nghe và mọi người cũng góp ý sửa một chút cho mình để hoàn thiện. Kể từ đó. Mình luôn ấp ủ ý nguyện làm dòng nhạc Khai Sáng, thức tỉnh, cổ vũ tinh thần Việt Nam. Kiểu như ngày xưa có nhạc Đỏ để cổ vũ cách mạng dành độc lập. Thời nay sẽ có nhạc Xanh để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Hay nhạc Khai Sáng để cổ vũ phong trào Khai Sáng. Chỉ là ấp ủ vậy thôi chứ mình chưa có gan. Mình còn học chưa xong các bài học cá nhân, mình vẫn chưa thức tỉnh nên khôn dám viết nhiều. Mình sợ viết ra những lời ảo tưởng hoặc là tuôn ra những đống nôn mửa của tâm trí. Mình hiểu được tác động của âm nhạc đến với người nghe như thế nào. Và mình cũng hiểu âm nhạc đến từ đâu, mình có gì thì mình sẽ lôi ra điều đó từ bên trong mình thôi.
Trong khi những người khác đã và đang tăng trưởng rất nhanh, thì mình là một ví dụ, hay là một tấm gương của sự thất bại, khi có quá nhiều sự mắc kẹt, dẫn đến không theo kịp mọi người. Mặc dù khởi đầu sớm, nhưng cảm giác tự ti khiến mình thấy mình thua kém những người đồng sự cũ rất nhiều. Vì họ đã có con cái hoặc đã từng tương tác với trẻ con nên họ có kinh nghiệm và trí tuệ về việc giáo dục trẻ nhỏ. Họ cũng đã từng hoặc đang là kỹ sư giỏi, trưởng dự án, bác sĩ, chủ kinh doanh,… Họ đã thành công dễ dàng về mặt tài chính, điều đó đến từ thực lực đã được chứng minh. Còn mình chỉ là một sinh viên, trải nghiệm đời bằng 0, kinh nghiệm như tờ giấy trắng, mang tiếng có con nhưng mà đã có mẹ nuôi giùm. Việc duy nhất mình có thể làm cho công ty có lẽ là góp một chút sức lực vào việc thành lập nó. Sau đó mình thấy mình còn rất non kém để đóng góp. Nếu ở lại thì mình phải học rất nhiều. Và mục đích của việc ở lại có lẽ cũng là để học tập và tăng trưởng là chính. Thời điểm mình rời công ty là vì mình chọn bài học làm mẹ, bài học tự đứng vững trên đôi chân của mình, bài học của sự trưởng thành, tìm kiếm giá trị bản thân… (Rồi về sau cuộc sống cũng dẫn mình đến những bài học khác nữa.) Dù ở lại hay rời đi thì khi nhìn lại, mình thấy mục đích vẫn không thay đổi. Đó là học những bài học cần thiết với chính mình.
Thật sự rất khó để học bài học tự đứng vững trên đôi chân của mình song song cùng một lúc với bài học làm mẹ. Thay vì dựa cậy vào công ty và những người đồng sự cũ, thì mình lại phải dựa cậy vào ba mẹ và ngân hàng (chỗ làm hiện tại). Như vậy cũng tốt, mình sẽ không là trở ngại cho công ty, rời đi để không làm chậm tiến trình của mọi người /để không bị cho out, còn đường mà quay lại?
Sự khắc nghiệt của cuộc sống khiến mình quyết định giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc cũ, để sống tự chủ và tự lập hơn. Mình tìm nhiều cách cân bằng cảm xúc và sau cùng thì mình nhận ra âm nhạc có thể hỗ trợ cho mình. Mình có thể viết nhạc cho mình trước khi viết nhạc cho người khác. Và âm nhạc đã hỗ trợ cho mình nên mình dần tin tưởng là nó sẽ giúp được người khác. Mình có thêm ý tưởng về dòng nhạc Chữa Lành và mình cũng dần tự tin hơn để làm nhạc.
Giờ đây, mình cám ơn những sự khó khăn, ràng buộc, áp lực của hoàn cảnh vì nó giúp mình luyện tâm. Mình nhìn lại những trái đắng mà mình phải nhận (nhiều lắm không tiện kể), nhìn lại những nguyên nhân đến từ tâm tính trẻ con của mình, học bài học chữa lành, yêu bản thân, đi theo tiếng gọi của linh hồn, tình yêu và ánh sáng.
Để lại một câu trả lời