PHÂN LOẠI TỰ TIN

Chúng ta ai cũng muốn mình tự tin. Tự tin là chất xúc tác chủ đạo để tạo nên thành công cho con người. Tự tin đem lại cảm giác hài lòng về bản thân, khiến ta hạnh phúc, lạc quan và đầy hứng khởi. Vậy bản chất của tự tin đích thực là gì? Ai mới là người tự tin thực sự? Làm thế nào để khơi nguồn và nuôi dưỡng tự tin? Nhằm giúp các bạn trả lời những câu hỏi trên, tôi sẽ chia tự tin thành ba dạng ứng với ba bản chất khác nhau của nó:

1.      TỰ TIN CÓ CƠ SỞ:

“Tự tin có cơ sở” là dạng tự tin phổ biến nhất trong xã hội. Gọi là “tự tin có cơ sở”bởi những người thuộc nhóm này có lí do để tự tin! Họ ý thức được năng lực của bản thân và định hướng tốt lối đi của mình. Họ hiểu rõ mình có gì hơn người đồng thời biết cách tận dụng triệt để những thế mạnh ấy. Họ nhận biết điểm yếu của người khác và cảm thấy  tự tin cực đỉnh khi đứng trước những người kém cạnh hơn mình. Tuổi tác, địa vị, thứ hạng, tài năng, vốn hiểu biết…v.v.. chỉ cần đối phương kém hơn họ trong một vài khía cạnh là họ có lí do để không nghĩ mình kém cỏi. Nói chung, “người tự tin có cơ sở” tự ý thức cũng như tự hào về những thứ họ có. Bên cạnh đó, lòng tự tin có cơ sở cũng đi kèm với bản tính “ hữu ngã”. Điển hình cho dạng tự tin này, ta bắt gặp ở  Nguyễn Công Trứ (Bài ca ngất ngưỡng) hay Tản Đà (Hầu Trời)..v.v..

Hạn chế: “Người tự tin có cơ sở chỉ có thể “lên mặt” trước các đối tượng họ coi là “đàn em”. Còn trước các tiền bối hay các đối thủ ưu việt hơn hoàn toàn, lòng tự tin của họ mất đi (vì không còn lí do để tự tin nữa). Sẽ rất đỗi gay go cho “người tự tin có cơ sở” khi buộc phải đối đầu với bậc “đàn anh”. ( Đọc phần đầu của “Những đôi mắt lạnh” để biết lòng tự tin có cơ sở của nhân vật nữ chính đã lung lay và biến mất như thế nào trước sự xuất hiện của người đối thủ nặng kí) Thái độ của người khôn ngoan ở hoàn cảnh này thường là kiêm nhường, vị nể, tôn trọng, học hỏi và né tránh các tình huống bất lợi.

2.      TỰ TIN THÁI QUÁ:

Khác với người tự tin có cơ sở, người “tự tin thái quá” không ý thức được vị trí của mình. Dạng tự tin này được chia làm 2 kiểu:

– Kiểu Biết người mà không biết ta: Kiểu người này sống trong ảo tưởng về tiềm năng của bản thân. Tuy đánh giá được năng lực của người khác nhưng lại không đánh giá được chính mình. Họ đưa ra những tự kỉ, ám thị tốt đẹp về bản thân và sống trong giấc mơ của họ. Họ có thể tự cho rằng mình ở nấc thang số 9, trong khi thực tế con số này là 6. Và tệ hơn, đôi khi trong mắt người khác nó chỉ là số 3. Tuy nhiên, với thái độ đầy hi vọng, lạc quan, yêu đời, trái tim họ tràn trề cảm hứng sáng tạo và thăng hoa, chính điều này khiến họ có thể phát huy được khả năng tiềm ẩn của mình để tạo nên một vài đột phá bất ngờ và ấn tượng.

–  Kiểu Biết ta mà không biết người: Trái ngược với kiểu trên, kiểu người này hiểu rõ mọi khả năng cũng như tiềm năng của chính mình nhưng lại xem nhẹ tình huống bên ngoài. Căn nguyên của sự  xem nhẹ này thường xuất phát từ sự thiếu thông tin và yếu tố chủ quan. Con người rơi vào tình trạng này khi họ thay đổi môi trường làm việc hoặc ngủ quên trên chiến thắng.Đôi khi họ nhìn thấy khó khăn phía trước nhưng lại vô tình lãng quên hoặc cố tình gạt bỏ các mối lo tiềm ẩn sang một bên. Điều này khiến họ an tâm với hiện tại nhưng thực chất là tự đẩy mình rơi vào những rắc rối về sau.

Bất lợi: Không ít người cảm thấy khó chịu đối với “người tự tin thái quá”, bởi cách hành xử thiếu khôn ngoan của “người tự tin thái quá” đã vô tình động chạm đến bản ngã của họ. Cho nên họ phản ứng lại bằng một thái độ gay gắt và cũng thái quá không kém. Họ nói xấu, chơi xỏ, đả kích, châm biếm… thậm chí tẩy chay bằng sức mạnh của đám đông. “Người tự tin thái quá” có nguy cơ gặp xáo trộn và chấn động về tâm lý, nhiều hay ít còn tuỳ vào “sự bắt nạt” mà đám đông dành cho họ! (Về hiệu ứng đám đông, có lẽ nên được bàn cụ thể hơn trong một bài viết khác.) Tuy nhiên, nếu được khích lệ, ủng hộ hay ngợi khen, lòng tự tin của người tự tin thái quá sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, giúp họ phát triển theo chiều hướng tích cực.

Nhưngdù thế nào đi nữa, sớm muộn thì “người tự tin thái quá” cũng sẽ phải / cần phải đối mặt là “sự vỡ mộng”. Một ngày nào đó họ bỗng đau đớn nhận ra mình đang tự lừa dối chính mình và chuyển từ tự tin thái quá sang mất tự tin. Đây là điều tất yếu phải xảy đến, bởi cho dù sự giả dối có đánh lừa được tất cả mọi người đi nữa, nó cũng không thể nào che lấp được sự rỗng tuếch bên trong của chính mình.

 Nói tóm lại, tự tin thái quá là một dạng tự kỉ,ám thị khá hữu ích với trẻ con nhưng lại nguy hiểm đối với “người lớn”.

3.      TỰ TIN TUYệT ĐỐI:

Chúng ta đã tìm hiểu hai dạng tự tin thường thấy ở con người “tự tin có cơ sở” và “tự tin thái quá”. Chúng ta cũng  đã tìm hiểu về  hạn chế cũng như “tính không bền vững”của hai dạng tự tin trên và có quyền gọi chúng bằng một cái tên chung: “tự tin tương đối”. Ngay sau đây là một khái niệm khác về sự tự tin: “tự tin tuyệt đối”.

Tươngtự như tự tin có cơ sở, người tự tin tuyệt đối biết rõ mình đang ở đâu nhưngkhông vì thế mà họ coi thường người kém hơn hay “tỏ ra thủ phận” trước ngườitài giỏi hơn. Trên thực tế, họ không xem nhẹ năng lực người khác, cũng không hềngưỡng mộ, thần tượng hoá bất kì ai. Họ luôn là chính mình trước mọi tình huống,tự tin thể hiện, tự tin lựa chọn, không bận tâm việc khen chê của người đời. Dù đối thủ của họ mạnh hay yếu, thử thách phía trước họ lớn hay nhỏ, và nói một cách hình ảnh, dù đứng ở chân núi hay đỉnh núi, “phong thái nội tâm” cuả họ vẫn ổn định như nhau. Đặc biệt, lòng tự tin của họ đi kèm với sự tôn trọng người khác. Khiêm nhường là bản tính thứ 2 của họ, là cái bóng của tự tin. Họ ko đem mình đi so sánh với người khác bởi họ ý thức rõ về “giá trị” của bản thân mình. Gía trị đó không nằm ở đồng tiền đang giữ, kiến thức đang nắm, sắc đẹp đang mang, trí tuệ đang có…, không, nó không xuất phát từ các giá trị ngoại vi, mà sâu hơn… Ta gọi đó là giá trị nội tại. Chính vì ý thức được giá trị này mà họ không bận tâm đến sự so sánh, vì so sánh thì cần phải có tiêu chí. Cho nên,“người tự tin tuyệt đối” luôn tự tin dù không có/ hay không bận tâm đến lí do để tự tin.

Khi đối mặt với thất bại, trong khi người tự tin tương đối (giả tự tin) cảm thấy cay cú, buồn bã, thất vọng hay tức giận, thì người tự tin tuyệt đối vẫn ôn hòa,vui vẻ như thường và không cảm thấy bị bẽ mặt. Nếu tinh tế, bạn chỉ cần nhìn vào vẻ mặt của người khác là có thể đoán biết được ai là người giả tự tin và ai là người tự tin đích thực. Chẳng hạn nếu gặp thất bại, người giả tự tin có thể buồn rầu, có thể khóc, cũng có thể tỏ ra bàng quang, điềm tĩnh hoặc vẫn vui vẻ ta đây nguy hiểm..v.v.. và ..v.v… nhưng với người tự tin tuyệt đối, trước và sau cuộc chơi họ vẫn bình thản. Không phải là bàng quang hay điềm tĩnh mà là bình thản, bởi trong họ không có bất kì sự kìm nén cảm xúc nào cũng không hề có chút ủy mị nào. Nếu trước cuộc chơi họ là người vui vẻ thì khi cuộc chơi kết thúc họ vẫn vui thế.

Bản chất của tự tin tuyệt đối là lòng yêu thương, quý trọng bản thân một cách mạnh mẽ và trọn vẹn. Khi yêu một ai đó, bạn dành cho họ tất cả sự tôn trọng và tin tưởng. Dù cả thế giới quay lưng với họ đi chăng nữa, bạn cũng không bao giờ bỏ rơi họ. Bởi bạn nhìn thấy họ như là họ, khám phá được cái đẹp nơi họ, cảm nhận được giá trị của họ và bạn yêu họ bằng tất cả tấm lòng chân thật. Nếu bạn cũng yêu chính mình như thế thì sức mạnh tiềm tàng trong bạn sẽ tăng lên gấp bội và trái tim bạn sẽ luôn được sưởi ấm, bạn sẽ hiểu rõ giá trị nột tại của bạn, và chẳng còn lí do gì ngăn trở sự tự tin của bạn. Tiếc thay hầu như tất cả mọi người, tự sâu thẳm bên trong, đều có phần bất mãn và căm ghét chính mình, thật hiếm hoi để tìm thấy một người tự tin đích thực.

Lời kết: Đọc đến đây, có lẽ bạn đã tự rút ra những nhận định riêng cho mình về tự tin. Riêng tôi có thêm một lời khuyên nhỏ dành cho bạn: Đừng bao giờ cố nhận biết và phân loại sự tự tin của người khác bởi biểu hiện của tự tin là muôn hình vạn trạng và không cố định,hơn nữa con người có những cách nguỵ trang khéo léo để người khác không nhận ra họ là ai. Đôi khi vì không muốn đụng chạm vào bản ngã của người khác, con người khoác lên mình cái áo khiêm tốn bao bọc lấy tấm thân tự tôn của mình. Và đôi khi họ đội trên đầu một chiếc mũ điềm đạm nhằm che đi mớ tóc băn khoăn, mềm yếu.Nếu không đủ tinh tế, bạn sẽ khó lòng nhận ra ai là ai đằng sau những lớp vỏ.Chính vì thế hãy khoan phát xét vội! (Mà tốt hơn hết là đừng phán xét) Chỉ nên quan sát, nhìn nhận một cách trung thực những biến chuyển nội tâm của chính mình, tự nhận biết mình trước đã. Nếu chưa hoàn toàn là người tự tin đích thực,hãy dứt bỏ cái rễ tự cao mà mảnh đất màu mỡ trong tâm hồn bạn nuôi dưỡng bấy lâu. Rồi thay vào đó một hạt mầm mới: Hạt mầm yêu quý bản thân. Hạt mầm ấy có sẵn trong bản thể của bạn, chỉ cần bạn gieo trồng và tưới nước thôi! Cũng nên nhớ thêm: gieo vào “bản thể” chứ đừng gieo vào bản ngã. Điều đó cũng có nghĩa là yêu thương chính mình, đừng yêu thương hình ảnh của mình trong gương.  Cứ như thế, dần dần, chỉ cần nhìn qua là bạn có thể đoán biết được người khác một cách không chủ ý, điều này có thể chẳng mấy ý nghĩa vì đó không phải là mục đích chính của bạn, nhưng nó xảy đến như là một hệ quả.

BẢO LINH – 2011

– Tái bút: còn một kiểu nữa là: giả vờ tự tin